Theo hãng tin Reuters, bất kỳ hoạt động tái xử lý nào cũng làm trầm trọng thêm tình hình sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội vào cuối tháng 2 nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong một báo cáo, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết, hình ảnh vệ tinh của cơ sở hạt nhân Yongbyon từ ngày 12-4 cho thấy năm ô tô ray chuyên dụng gần Cơ sở Làm giàu Uranium và Phòng thí nghiệm Hóa học phóng xạ của Triều Tiên. Điều đó cho thấy có thể đã diễn ra hoạt động vận chuyển chất phóng xạ.
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động trở lại của nhà máy hạt nhân Yongbyon. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các vấn đề tình báo, nhưng các chuyên gia Mỹ nghĩ rằng nghi ngờ đó là hoạt động hạt nhân quan trọng.
Bà Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên, nói rằng nếu thực sự nhà máy hạt nhân đang hoạt động trở lại thì đây chính là hệ quả của cuộc đàm phán Mỹ-Triều trong năm qua và việc không đạt được thỏa thuận về tương lai của cơ sở Yongbyon tại Hà Nội.
Mặc dù ông Kim đã không tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2017, nhưng giới chức Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch có thể được xử lý để chế tạo bom.
Tên lửa liên lục địa của Triều Tiên trong một buổi diễu hành năm 2017. Ảnh: REUTERS
Tháng trước, một quan chức cấp cao của Triều Tiên cảnh báo rằng ông Kim chỉ suy nghĩ lại về việc đóng băng chương trình thử nghiệm trừ khi Washington nhượng bộ.
Tuần qua, ông Kim nói rằng thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã làm tăng nguy cơ tái diễn tình trạng căng thẳng và ông chỉ gặp lại ông Trump nếu Mỹ có thái độ đúng đắn.
Hôm 15-4, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gạt bỏ yêu cầu này. Ông Pompeo nói rằng nhà lãnh đạo Kim nên giữ lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân trước.