Đài truyền hình NBC News (Mỹ) dẫn thông tin từ nhiều đương kim và cựu quan chức cấp cao Mỹ cho biết các nhà thương lượng nước này đã bỏ yêu cầu Triều Tiên phải đồng ý thông báo số lượng vũ khí hạt nhân và tên lửa, như một phần đối thoại thông qua thỏa thuận hai bên.
Quyết định này là một nội dung quan trọng với thỏa thuận hạt nhân. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này.
Thương lượng giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên tập trung vào các yếu tố chủ chốt của chương trình hạt nhân Triều Tiên, như về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp thượng đỉnh sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: GETTY IMAGES
Tiến sĩ Siegfried Hecker, nhà khoa học hạt nhân từng đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon nhiều lần để đánh giá năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Theo đánh giá của ông, xóa bỏ các chi tiết trong khu phức hợp hạt nhân này sẽ là bước đi quan trọng nhất Triều Tiên có thể làm tiến tới giải trừ hạt nhân.
“Yongbyon là trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên”, ông Hecker nói.
Ông Hecker giải thích thêm rằng nếu khu phức hợp hạt nhân Yongbyon bị xóa bỏ hoàn toàn thì Triều Tiên sẽ không bao giờ có thể sản xuất plutonium – một nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân - trở lại.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hy vọng sẽ có được nhượng bộ từ Triều Tiên về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng chưa rõ liệu Mỹ có thể đưa ra trao đổi gì, và liệu ông Kim Jong-un có chấp nhận không. Triều Tiên muốn trừng phạt được giảm nhẹ, và các quan chức Mỹ từng cố vấn cho ông Trump không bỏ trừng phạt trong giai đoạn còn thương lượng dở dang.
Có thông tin Triều Tiên cũng đã từng đề nghị phong tỏa hoạt động khu phức hợp hạt nhân Yongbyon trong các vòng đàm phán trước với các chính phủ Mỹ trước, nhưng không thống nhất được.
Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên có vai trò quan trọng với chương trình hạt nhân nước này. Ảnh: REUTERS
Nhiều đương kim và cựu quan chức Mỹ nói rằng ngoài Yongbyon Triều Tiên còn có nhiều cơ sở hạt nhân có sức mạnh tương tự. Các quan chức Mỹ cũng lo ngại nếu không thuyết phục được Triều Tiên xóa bỏ các cơ sở này nữa thì nước này sẽ không thương lượng toàn bộ các khía cạnh chương trình hạt nhân của mình.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ), trong những tháng gần đây nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và phát hiện Triều Tiên có khoảng 20 cơ sở tên lửa đạn đạo. Một trong số đó là căn cứ tên lửa Sino-ri cách khu phi quân sự khoảng 200km.