Bình Nhưỡng sắp tái sản xuất nhiên liệu hạt nhân?
"Họ lấy nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng 5 megawatt ở Yongbyon, để nguội và sau đó đưa chúng tới các cơ sở tái chế. Đó là nơi họ thu được plutonium dùng cho vụ thử hạt nhân trước đó. Họ đang lặp lại quá trình này. Đó là những gì họ đang làm", Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hôm qua cũng khẳng định cơ quan này nhận thấy dấu hiệu Bình Nhưỡng đã tái chế plutonium ở khu phức hợp Yongbyon.
Hình ảnh chụp Yonbyon năm 2008 trước khi tháp làm mát chính bị đánh sập, lúc lò phản ứng được dừng hoạt động. Ảnh: Reuters
Các viện nghiên cứu tư nhân của Mỹ dựa vào các hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây cũng cho hay có dấu hiệu Triều Tiên đang khởi động hoặc sắp khởi động nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh ghi lại được các cột khói bốc lên từ một nhà máy đốt than để tạo hơi cho hoạt động tái chế.
Đầu năm nay, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói trong một đánh giá về mối đe dọa toàn cầu rằng Triều Tiên đã khởi động lò phản ứng 5 megawatt và đã vận hành đủ thời gian để thu thập plutonium "trong vòng vài tuần tới vài tháng".
Lò phản ứng này là nguồn tạo plutonium cấp độ vũ khí cho Triều Tiên. Lò phản ứng nhỏ có thể sản xuất những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và nếu được tái chế, chúng có thể mang về cho Triều Tiên một lượng plutonium đủ để chế tạo ít nhất một quả bom mỗi năm.
Phát triển vũ khí hạt nhân nhiều hơn nữa
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), Triều Tiên hôm 7-6 đã tuyên bố phát triển thêm vũ khí hạt nhân, giúp tăng đòn bẩy chiến lược của nước này trong việc giải quyết các mối quan hệ bên ngoài.
Triều Tiên có kế hoạch tích cực theo đuổi chính sách ngoại giao tương xứng với vị thế toàn cầu có được nhờ chương trình vũ khí hạt nhân, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên (WPK), cho biết.
"Chúng ta sẽ sản xuất các vũ khí hạt nhân đa dạng và hiện đại hơn", tờ báo viết. "Vũ khí không nhằm đe dọa hòa bình. Chúng ta không sử dụng nó trừ khi những kẻ gây sự tấn công chúng ta bằng vũ khí hạt nhân".
Binh sĩ Triều Tiên đeo túi có biểu tượng hạt nhân trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng mô tả Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân "có trách nhiệm" tại đại hội Đảng Lao động (WPK) của nước này hồi đầu tháng 5. Ông cho biết sẽ "mãi mãi" bảo vệ việc theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân song song với thúc đẩy kinh tế đất nước.
Triều Tiên tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đến mức có thể lắp lên tên lửa đạn đạo nhưng Hàn Quốc và Mỹ đều nghi ngờ điều này, cho rằng Bình Nhưỡng chưa thể đạt được công nghệ đó.
Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân bốn lần kể từ năm 2006 khiến các nhà quan sát nước ngoài tin Bình Nhưỡng sở hữu một lượng nhỏ vũ khí hạt nhân.