Trong quá khứ, chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc thường dựa vào sự kiên nhẫn, với trọng tâm là trả đũa dài hạn thay vì ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tập C ận Bình, chính sách này sắp sửa thay đổi. Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc mong muốn kho dự trữ hạt nhân quốc gia này luôn trong trạng thái sẵn sàng, có thể khởi động ngay khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của cuộc tấn công.
“Khi cần thiết và trong điều kiện đã xác nhận kẻ thù hướng tên lửa hạt nhân về phía chúng ta, trước khi đầu đạn hạt nhân của chúng đạt đến mục tiêu và phát nổ, Bắc Kinh có thể nhanh chóng khởi động tên lửa hạt nhân tấn công trả đũa” –một chiến lược gia quân sự cho biết, theo Defense One.
Việc đặt kho vũ khí hạt nhân ở mức báo động của 2 cường quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. (Ảnh minh họa)
Bằng cách giữ kho vũ khí hạt nhân ở tình trạng cảnh giác, Trung Quốc hy vọng điều này sẽ ngăn Hoa Kỳ phát động tấn công trước.
Thêm vào đó, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể được vận chuyển qua đường hàng không, tương tự như tên lửa của Mỹ. Điều này loại bỏ khả năng Mỹ phá hủy hết các kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc trước khi Bắc Kinh kịp có cơ hội trả đũa.
Tuy nhiên, có nhiều người chỉ trích cho rằng chính sách này làm tăng nguy cơ khởi động chiến tranh hạt nhân. Chiến lược gia Trung Quốc chỉ ra rằng Hoa Kỳ giữ 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở mức báo động cao.
Thứ năm (31-3), Richard Fisher, thành viên cấp cao Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho biết ông dự đoán Bắc Kinh sẽ sớm hoàn thành việc phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn khoảng 14.500 km.
Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang ở Washington DC tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo đến từ 50 quốc gia khác.
“Qua hội nghị, nếu cả hai quốc gia này đều nhìn thấy sự điên rồ trong việc đặt kho hạt nhân ở mức báo động cao, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử trong nỗ lực giảm bớt nguy cơ chiến tranh” – tờ Defense One viết.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh. Hải quân Mỹ đã tiến hành một số cuộc tuần tra gần dự án cải tạo đất của Trung Quốc ở vùng biển Đông mà Bắc Kinh ngang nhiên cho là thuộc chủ quyền TQ. Mỹ đã tuyên bố những hòn đảo nhân tạo này vi phạm các hiệp định lãnh hải quốc tế.
Đáp lại, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có mọi quyền xây dựng trong phạm vi lãnh thổ của mình và những hòn đảo sẽ được sử dụng chủ yếu cho mục đích nhân đạo.