Đài truyền hình Hàn Quốc Channel One dẫn Bộ Quốc phòng nước này nói rằng Triều Tiên đã thực hiện một vụ thử hạt nhân. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vụ thử tạo ra sức công phá tương đương 6.000-7.000 tấn thuốc nổ, "có sức hủy diệt khủng khiếp."
Người phát ngôn bộ trên cũng cho biết Triều Tiên đã thông báo trước một ngày với Trung Quốc và Mỹ về kế hoạch thử hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc đã ngay lập tức được đặt trong tình trạng cảnh báo cao còn Tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp an ninh quốc gia để thảo luận về tình hình.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định "rất có khả năng" Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân.
Ông Suga cũng cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu các cơ quan liên quan phân tích thông tin về chấn động vừa qua và một cuộc họp an ninh khẩn cấp sẽ được tiến hành ngay lập tức. Phát biểu ngày 12/2, Thủ tướng Abê cho biết Nhật Bản sẽ xem xét những trừng phạt riêng đối với Triều Tiên.
Một nhà ngoại giao giấu tên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc xác nhận với hãng tin Reuters rằng phía Hàn Quốc đã thông báo về việc Triều Tiên thử hạt nhân. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ họp khẩn trong ngày 12/2.
Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các cơ quan địa chất của Mỹ và Trung Quốc đều xác nhận vào lúc 11 giờ 57 phút theo giờ Triều Tiên (tức 9 giờ 57 phút theo giờ Việt Nam), đã xảy ra một trận địa chấn nhân tạo có cường độ từ 4,9 đến 5,1 độ Ríchter tại khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Pungye-ri của Triều Tiên.
Một quan chức Hàn Quốc trình bày kết quả đo đạc từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên (Nguồn: AFP)
Theo phân tích của các nhà khoa học, đây "không giống động đất bình thường." Trên website của Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc cũng nhận định đây "nghi là vụ nổ" xảy ra với tâm chấn là "0 km."
Hai vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên vào các năm 2006 và 2009 cũng diễn ra ở bãi thử Pungye-ri. Theo Cơ quan Khí tượng học Nhật Bản, trận động đất sáng 12/2 có tâm chấn rất nông, xảy ra ở hầu như đúng địa điểm từng có động đất ở lần thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên là năm 2009.
Sau động thái mới nhất ở Triều Tiên, ưu tiên lúc này của cộng đồng thế giới sẽ là xác định chính xác bản chất và quy mô nếu Bình Nhưỡng thực sự thử hạt nhân để từ đó xác định mức độ công nghệ mà chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được.
Ông Obama lên án Triều Tiên "khiêu khích cao độ"
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12/2 đã lên án vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cho rằng hành động mang tính “khiêu khích” sẽ không giúp nước này an toàn hơn, đồng thời kêu gọi quốc tế có phản ứng nhanh chóng sau động thái này của Bình Nhưỡng.
Ông Obama cũng cam kết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng Washington sẽ tiếp tục cảnh giác với vụ nổ dưới lòng đất của Triều Tiên và kiên định duy trì cam kết với những nước đồng minh ở châu Á.
“Không chỉ còn cách xa những mục tiêu trở thành một nước giàu mạnh và thịnh vượng, Triều Tiên sẽ ngày càng cô lập mình hơn, đồng thời khiến người dân nước mình càng trở nên bần cùng chỉ vì chính sách theo đuổi việc phát triển vũ khí hủy diệt một cách thiếu thông minh,” ông Obama nói.
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân của Triều Tiên (Nguồn: AFP)
Ông Obama cũng nói rằng vụ thử hạt nhân lần này là “hành động khiêu khích cao độ”, tiếp theo sau vụ thử tên lửa đạn đạo tháng 12 nưm ngoái, khiến an ninh khu vực càng trở nên mất ổn định và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
“Sự nguy hiểm mà Triều Tiên tạo ra càng khiến cộng đồng quốc tế cần phải có hành động nhanh chóng,” ông Obama tuyên bố trước thềm cuộc họp khẩn của HĐBA vào tối nay.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi những bước cần thiết để tự vệ cũng như bảo vệ cho các đồng minh,” ông Obama nói.
Anh kêu gọi có hành động cứng rắn với Triều Tiên
Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 12/2 đã cực lực lên án việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay của nước này, đồng thời kêu gọi Hội đồng bảo an có “phản ứng cứng rắn” đối với Triều Tiên.
“Anh đã bắt đầu tham vấn khẩn cấp với các bên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để kêu gọi có phản ứng mạnh mẽ đối với bước phát triển mới này của Triều Tiên,” ông Hague nói trong một tuyên bố.
“Triều Tiên có một lựa chọn: hợp tác mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế để chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trở lại bàn đám phán, hoặc đối mặt với sựbị cô lập ngày càng tăng và những hành động tiếp theo của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế.”
Ông Hague nói Triều Tiên đã vi phạm hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đe dọa tới ổn định và hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên, đồng thời cho rằng thật "đáng trách" khi Bình Nhưỡng bất chấp những lời kêu gọi quốc tế nhằm kiềm chế các hành động khiêu khích như vậy.
Trong một thông cáo, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Martin Nesirky cho biết: "Ông Ban Ki-moon đã lên án vụ thử vũ khí hạt nhân ngầm này do Bắc Triều Tiên tiến hành ngày hôm nay. Đây là một sự vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva "lên án mạnh mẽ" vụ thử hạt nhân trên của Bắc Triều Tiên, đồng thời coi đây là một sự vi phạm các nghĩ vụ quốc tế của Bình Nhưỡng. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết cường độ vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là trên 7 kilotone.
Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết nước này "rất lấy làm tiếc" trước vụ thử trên và đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc cũng lên án vụ thử trên của miền Bắc, và coi đó là "sự vi phạm trắng trợn" các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Theo Vietnam+