Tính đến chiều 24-12, số người thiệt mạng trong đợt sóng thần ở Indonesia đã lên đến 281 người, 1.016 bị thương, 57 người mất tích và 11.687 người đã được di tản đến nơi an toàn, theo The Guardian.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng nước này vào cuộc, để ứng phó với thảm họa sóng thần. Đồng thời nhanh chóng thực hiện các bước đi cần thiết, để tìm kiếm các nạn nhân mất tích và hỗ trợ những người bị thương cũng như sơ tán người dân vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Những người sống sót tìm đồ đạc trong đống đổ nát ở bờ biển Nam Lampung vào chiều 23-12. Ảnh: AP
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát. Ảnh: REUTERS
Nhiều xe ô tô bị sóng thần cuốn lên nóc nhà. Ảnh: REUTERS
Nhiều đoàn cứu hộ, công nhân, bệnh viện đang hối hả vào cuộc tìm kiếm người mất tích, cũng như cứu chữa người bị thương. Đội cứu hộ cũng đã huy động thêm nhiều thiết bị hạng nặng giúp cho công việc đào bới tìm kiếm các thi thể nạn nhân còn sót lại trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, công tác nhân đạo hỗ trợ các nạn nhân bị thương, cung cấp lương thực cho những người dân sơ tán cũng đã được các tình nguyện viên, nhân viên các tổ chức nhân đạo đẩy mạnh.
Phần lớn người bị thương bị gãy xương và khó thở do uống quá nhiều nước biển. Jakarta Post dẫn lời nhân chứng cho biết sóng thần kéo dài khoảng 10 phút, tràn vào đất liền sâu 15-20 m.
Một người phụ nữ bần thần ngồi trước đống đổ nát trước kia là nhà của bà. Ảnh: AP
Người dân hướng ra biển tìm kiếm người thân sau khi trận sóng thần đánh vào bờ. Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ Indonesia bật khóc trước danh sách những nạn nhân đã chết trong trận sóng thần. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh thiệt hại về người, nhiều khu vực ở eo biển Sunda gần như bị san bằng, con số thiệt hại chưa thể kể hết. Thị trấn Carita ở phía tây đảo Java của Indonesia là một trong những địa điểm bị tàn phá nặng nề nhất, với hàng loạt công trình trong khu vực đã bị phá hủy, nhà cửa đổ nát, hạ tầng giao thông hư hại, theo AFP.
Theo các nhà chức trách, trận sóng thần lần này nhiều khả năng là do hoạt động của núi lửa Anak Krakatau nằm trên eo biển Sunda, giữa hai đảo Java và Sumatra, và ảnh hưởng sóng thần lại càng lớn hơn do diễn ra đúng vào thời điểm trăng rằm. Trong nhiều tháng qua, núi lửa này đã liên tục xả khói bụi và dung nham, và trận sóng thần được xác định đã xảy ra khoảng 30 phút sau khi núi này phun trào.
Trong lúc nguyên nhân thực sự của trận sóng thần vẫn chưa được xác định rõ, các nhà chức trách cho biết nguy cơ một trận sóng thần nữa xảy ra là rất cao. Một quan chức Indonesia cho biết các hoạt động cứu nạn sẽ liên tục được tiến hành nhưng sẽ “được chấm dứt ngay khi có dấu hiệu triều cường đầu tiên”.
Nhiều người vẫn đang tất bật tìm xác người thân ở các bệnh viện. Hiện do các bệnh viện đang quá tải và con số thương vong cao nên thi thể bệnh nhân được đặt bên ngoài sân để người thân dễ dàng nhận diện. Ảnh: REUTERS
Tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: REUTERS
Một đoạn đường đường bị hư hại trong đợt sóng thần. Ảnh: REUTERS
Trước đó, sáng 23-12 một trận sóng thần tràn vào các bãi biển dọc eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Javal và Sumatra.
Thời điểm xảy ra sóng thần lần này trùng với dịp lễ Giáng sinh, gợi lên những ký ức về trận sóng thần vào ngày 26-12-2004, làm 226.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.
Indonesia có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động và nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.