Tính đến tối 6-3 (giờ Việt Nam), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đã giành chiến thắng áp đảo trong ngày bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba (ngày 5-3) của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại một loạt bang, bao gồm hai bang có nhiều đại biểu (ĐB) nhất trong cuộc đua là California và Texas.
Càn quét Siêu thứ Ba
Theo đài CNN, đợt càn quét Siêu thứ Ba của ông Trump đã nâng tổng số ĐB đảng Cộng hòa mà ông giành được lên 1.040 ĐB, vượt xa đối thủ Nikki Haley (cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ ở hàng ngũ đảng Cộng hòa) khi bà này chỉ mới giành được 86 ĐB. Để giành tấm vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ứng viên phải đạt ít nhất 1.215 ĐB ủng hộ trong tổng số 2.429 ĐB của đảng.
Có thể thấy cựu lãnh đạo Mỹ đang ngày càng tiến gần tới con số 1.215 ĐB. Trước đó, nhóm tranh cử của ông Trump ước tính thời điểm sớm nhất ông này có thể đạt được con số 1.215 ĐB là vào ngày 12-3 tới nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.
Về phía đảng Dân chủ, ông Biden đang dẫn đầu đường đua khi đã thu về 1.572 ĐB của đảng. Các đối thủ của ông gồm nữ tác giả 70 tuổi Marianne Williamson và hạ nghị sĩ Dean Phillips đều không giành được phiếu nào do tới nay hai nhân vật này vẫn chưa “ghi bàn”.
Theo tờ The Guardian, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày Siêu thứ Ba năm nay thấp hơn đáng kể so với các kỳ bầu cử trước. Nguyên nhân được cho là vì cuộc bầu cử “thiếu tính cạnh tranh” và cử tri không quá hào hứng với màn tái đấu Trump - Biden.
Ngoài ra, ở vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, phiếu bầu sơ bộ đảng Dân chủ xuất hiện thêm một nhân vật là doanh nhân Jason Palmer - người duy nhất tới thời điểm này đánh bại ông Biden trong mùa bầu cử sơ bộ Siêu thứ ba. Tuy nhiên, nhóm vận động tranh cử của đương kim tổng thống cho rằng tin tức này không quan trọng.
Ông Biden sẽ cần đạt ít nhất 1.968 ĐB trên tổng số 3.934 ĐB của đảng Dân chủ để giành tấm vé đại diện đảng này tranh cử vào tháng 11 tới. Đà thắng này cho thấy ông Biden đang ngày càng tiến gần tấm vé đề cử của đảng Dân chủ.
Tối 5-3 (giờ Mỹ), Phó Tổng thống Kamala Harris đã ăn mừng kết quả bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba, gọi đây là “thời điểm tràn đầy năng lượng cho chiến dịch tranh cử của chúng tôi”. “Người Mỹ đang cho thấy rằng họ cảm nhận được tính cấp bách của các cuộc bầu cử sơ bộ, họ sẵn sàng sát cánh cùng Tổng thống Biden và tôi trong cuộc đấu này”.
Theo bà Harris, ông Biden sẽ chia sẻ tầm nhìn của đảng Dân chủ trong thông điệp liên bang sắp tới (dự kiến ngày 7-3 theo giờ Mỹ). Phó tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng ông Trump “gây ra mối đe dọa cơ bản cho nền dân chủ, do đó ông ấy phải bị ngăn chặn”. Tuy nhiên, ông Phillips cho rằng nếu ông Trump và ông Biden tái đấu vào tháng 11 tới thì khả năng cựu tổng thống sẽ đánh bại ông Biden rất cao.
Tái đấu rất gần nhưng không dễ dàng
Dù cả ông Trump và ông Biden đều đang giành được những chiến thắng vang dội và tiến gần hơn tới trận tái đấu vào tháng 11 tới nhưng giới quan sát nhận định những chiến thắng này không có nghĩa là con đường phía trước của cả hai ứng viên sẽ dễ dàng.
CNN cảnh báo rằng thành tích ấn tượng của bà Haley tại các bang có đa số cử tri độc lập, cử tri có trình độ học vấn cao và ở các khu vực ngoại ô có thể là mối nguy cho ông Trump vì những cử tri này có thể “bỏ rơi” cựu tổng thống khi ông tiến vào cuộc đối đầu trực diện với ông Biden.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của CNN công bố ngày 6-3, tại North Carolina - bang chiến trường với số lượng cử tri có trình độ đại học ngày càng cao, 81% những người ủng hộ bà Haley trong ngày Siêu thứ Ba cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đối mặt với thách thức từ phong trào “không cam kết” - một phần của chiến dịch phản đối chính sách của ông Biden với cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza hiện nay.
Tuần trước, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang Michigan, hơn 100.000 cử tri đã bỏ phiếu “không cam kết” thay vì bầu cho ông Biden hay một ứng viên nào khác. Trong ngày Siêu thứ Ba vừa qua, sự phản đối này lại xảy ra ở bang láng giềng Minnesota, nơi có phần lớn người Mỹ theo đạo Hồi. Cụ thể, trong khoảng 89% phiếu đã kiểm, phong trào “không cam kết” chiếm gần 20% số phiếu (tương đương hơn 45.000 cử tri).
“Những con số tối nay cho thấy Tổng thống Biden không thể giành lại phiếu bầu của chúng tôi chỉ bằng lời hùng biện” - bà Asma Nizami, người phát ngôn của phong trào “không cam kết” tại bang Minnesota, nói. Ngoài ra, ở các bang khác như North Carolina, phiếu bầu cho phong trào “không cam kết” cũng chiếm tỉ lệ khá cao.
Giới quan sát cho rằng dù số lượng cử tri phản đối Tổng thống Biden không phải là con số quá lớn nhưng trong một cuộc bầu cử được dự đoán là cam go trong từng lá phiếu thì việc suy giảm vị thế ở các bang vốn ủng hộ đảng Dân chủ có thể sẽ dẫn tới những diễn biến khó lường cho nhà lãnh đạo Mỹ.
Bên cạnh đó, cặp “kỳ phùng địch thủ” Trump - Biden nhiều khả năng phải đối đầu với các ứng viên độc lập nếu cả hai cùng tiến vào cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. Tối 5-3 (giờ Mỹ), chiến dịch tranh cử của ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. thông báo rằng ông Kennedy đã thu thập đủ số chữ ký để đủ điều kiện tham gia cuộc tổng tuyển cử ở bang Nevada và hướng tới cuộc tổng tuyển cử ở năm bang khác, trong đó bao gồm cả những bang chiến trường, theo tờ Politico.
Bầu cử sơ bộ ở các bang tiếp theo trong tháng 3
• Ngày 12-3: Bầu cử sơ bộ ở các bang Georgia, Mississippi, Washington, Hawaii (chỉ đảng Cộng hòa).
• Ngày 19-3: Bầu cử sơ bộ ở các bang Arizona, Florida, Illinois, Kansas, Ohio.
• Ngày 23-3: Bầu cử sơ bộ ở hai bang Louisiana, Missouri (chỉ đảng Dân chủ).
• Ngày 30-3: Bầu cử sơ bộ ở bang North Dakota (chỉ đảng Dân chủ).