Tuần qua, thị trường dầu mỏ và tài chính thế giới gặp cú sốc lớn sau loạt động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel. Tuy nhiên, những căng thẳng này dường như đã được hạ nhiệt, giúp thị trường toàn cầu ổn định trở lại.
Giá dầu thô giảm
Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch ngày 22-4 sau khi các nhà giao dịch nhận thấy rằng xung đột ở Trung Đông ít rủi ro với nguồn cung dầu, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, dầu thô Brent được giao dịch ở mức 87 USD/thùng, giảm 0,29 USD, tương đương 0,33%. Dầu thô West Texas giao dịch ở mức 82,85 USD/thùng, giảm 0,29 USD, tương đương 0,35% so với phiên giao dịch trước.
Reuters dẫn lời ông Phil Flynn - nhà phân tích thị trường thuộc công ty tư vấn tài chính Price Futures Group (Mỹ) rằng các nhà giao dịch dự đoán cân bằng cung cầu của dầu sẽ thắt chặt trong những tháng tới.
“Các nền tảng cơ bản của dầu vẫn rất chặt chẽ. Kỳ vọng là nguồn cung sẽ thắt chặt hơn vào mùa hè này” - ông Flynn nói.
Chiến lược gia Giovanni Staunovo của ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) nhận định rằng rủi ro địa chính trị không gây tác động kéo dài nếu nguồn cung dầu không thực sự bị gián đoạn.
Chuyên gia Staunovo cho biết thêm rằng lượng dầu dự phòng cao của một số quốc gia sản xuất dầu có thể bù đắp cho bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung.
Đồng quan điểm, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM nói rằng một đợt tăng giá dầu kéo dài có thể xảy ra nếu eo biển Hormuz (nằm giữa Iran và Oman, là huyết mạch dầu mỏ quan trọng nhất thế giới) bị gián đoạn hoặc Saudi Arabia trực tiếp bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Bên cạnh vấn đề địa chính trị, lạm phát cũng đang đẩy giá dầu thấp hơn do sự giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.
Nhà phân tích thị trường Tina Teng nói với Reuters rằng những lo ngại về kinh tế một lần nữa trở thành yếu tố làm giảm giá dầu thô vì giá dầu chịu áp lực từ dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và điều chỉnh của Fed làm đồng USD tăng.
USD tăng khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu mua vào.
Chứng khoán vượt qua cú sốc Trung Đông
Hầu hết các thị trường chứng khoán lớn ở vùng Vịnh đều tăng điểm vào đầu phiên giao dịch ngày 22-4, để bù đắp khoản lỗ cuối tuần qua, theo Reuters.
Theo đó, chỉ số chứng khoán TASI của Saudi Arabia tăng 0,2%, chỉ số QSI của Qatar tăng 0,3%. Tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), chỉ số DFMGI của Dubai tăng 0,5%, trong khi chỉ số FTFADGI của Abu Dhabi giảm 0,1%.