Nga tin rằng việc này sẽ khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng được nối trở lại.
Theo hãng tin Reuters, dự thảo cũng kêu gọi chấm dứt lệnh cấm người Triều Tiên được xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Dự thảo của Trung Quốc và Nga cũng đề nghị chấm dứt lệnh trừng phạt của LHQ đối với các dự án hợp tác đường sắt và đường bộ liên Triều.
Hiện vẫn chưa rõ liệu dự thảo nghị quyết này có được 15 thành viên của HĐBA đưa ra bỏ phiếu hay không.
“Không có gì vội vã”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với Reuters. Ông cho biết thêm các cuộc đàm phán với các thành viên khác trong hội đồng sẽ bắt đầu từ 17-12.
Ông Nebenzia nói rằng các biện pháp trừng phạt mà họ đã đề xuất LHQ dỡ bỏ không liên quan trực tiếp đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà là một hành động nhân đạo.
Một lá cờ của Triều Tiên tại Phái bộ Thường trực của Triều Tiên tại Geneva ngày 2-10-2014. Ảnh: REUTERS
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bây giờ không phải là lúc để HĐBA xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đặc biệt trước những hành vi gần đây của quốc gia này làm căng thẳng thêm vấn đề an ninh quốc tế.
Trong tuần vừa rồi, Triều Tiên đã hủy bỏ quá trình đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa, tiếp tục duy trì và tiến hành các cuộc thử nghiệm chương trình tên lửa đạn đạo.
Các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp mà Nga và Trung Quốc đề xuất dỡ bỏ được LHQ đưa ra vào năm 2016 và 2017, nhằm cắt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên hôm 17-12 rằng, một số biện pháp trừng phạt nên được dỡ bỏ để khuyến khích Triều Tiên tiếp tục các cuộc đàm phán.
“Chúng tôi hy vọng HĐBA sẽ có quyết định đúng đắn và ủng hộ kiến nghị này”, ông Cảnh nói, cho rằng nhu cầu giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Mỹ, Anh và Pháp đã khẳng định lập trường của mình, phản đối việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình.
Bình Nhưỡng đã phải chịu lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2006.
Mối lo ngại đặc biệt gia tăng trên phạm vi quốc tế khi Triều Tiên tái khởi động lại chương trình thử tên lửa tầm xa của mình, sau khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington bị đình trệ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6-2018, nhưng vẫn không tạo nên tiến triển nào đối với việc phi hạt nhân hóa.
Dù Bình Nhưỡng đã lên tiếng chấm dứt các cuộc đàm phán, ông Trump vẫn cam kết sẽ tiếp tục bằng cách sử dụng con đường ngoại giao, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên đến thăm Trung Quốc
Đặc phái viên của Mỹ tại Triều Tiên, ông Stephen Biegun, sẽ đến Bắc Kinh vào hai ngày 19 và 20-12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau khi Trung Quốc và Nga đề xuất LHQ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đặc phái viên của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun tại cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young tại Bộ Ngoại giao ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16-12-2019. Ảnh: REUTERS
Ông Biegun vừa kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Hàn Quốc vào hôm 17-12, nơi ông cố gắng cứu vãn các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng không nhận được phản hồi nào từ Bình Nhưỡng về cuộc gọi của ông.
Vào ngày 16-12 vừa rồi, ông Biegun đã liên hệ trực tiếp với Triều Tiên, nói rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải tiếp tục các cuộc đàm phán hai bên. Hãy cùng nhau hoàn thành việc này. Mỹ luôn sẵn sàng và Triều Tiên có thể liên hệ bất kì lúc nào”.
Đặc phái viên của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun tham dự cuộc họp báo với đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon về vấn đề hòa bình và an ninh bán đảo Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao ở Seoul ngày 16-12-2019. Ảnh: REUTERS
Đặc phái viên Biegun sẽ có cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc để “thảo luận về sự cần thiết để duy trì sự thống nhất toàn quốc tế về vấn đề Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hôm 16-12, rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành bất ngờ các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân nếu họ “không cảm thấy hài lòng” với những việc làm của Mỹ.