Hồi tháng 3-2020, Trung Quốc (TQ) đã công bố một loạt các hoạt động “dân sự” tại biển Đông thông qua việc lắp đặt các trạm nghiên cứu” tại đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đến ngày 18-4, TQ tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính mới mà nước này gọi là quận "Tây Sa" và "Nam Sa" trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.)
Đường băng và các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh chụp hồi tháng 9-2017). Ảnh: GETTY
Trung Quốc thách thức chuẩn mực quốc tế
TQ lâu nay có truyền thống lợi dụng các thời điểm bất ổn để tiến hành các hoạt động mở rộng hiện diện ở biển Đông. Nếu các quốc gia trong khu vực không phản bác thì việc này sẽ được TQ viện dẫn là sự công nhận tính hợp pháp về chủ quyền của TQ ở biển Đông, dù trên thực tế là bất hợp pháp.
GS Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc ĐH Philippines nhận định: “Việc TQ thành lập các quận mới là một nỗ lực để chứng minh họ có quyền kiểm soát tuyệt đối các vùng biển tranh chấp”.
Những năm gần đây, TQ đã biến các đảo nhân tạo thành “tiền đồn” chiến lược về quân sự với trang bị vũ khí hiện đại, bến cảng, đường băng, các cơ sở thông tin liên lạc… để chủ động ứng phó tình hình và mở rộng khả năng theo dõi, giám sát hoạt động của các quốc gia quanh biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở khu vực biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh: AFP
Các hành động phi pháp, nặng tính khiêu khích diễn ra với tần suất dày đặc của TQ đặt các quốc gia trong khu vực trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”.
TQ đang cố gắng khuấy động an ninh biển Đông, đe dọa lợi ích hợp pháp của các quốc gia, làm xói mòn luật pháp quốc tế và thử thách tinh thần đoàn kết của các quốc gia ASEAN.
Tham vọng của TQ là từng bước “gặm nhấm” toàn bộ biển Đông. Giai đoạn trước đại dịch COVID-19, TQ đã công bố yêu sách đường chín đoạn phi pháp, tiến hành bồi đắp và tôn tạo trái phép các thực thể ở biển Đông.
TQ cũng công khai chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 khẳng định nước này không có quyền lịch sử ở biển Đông và yêu sách đường chín đoạn không có cơ sở pháp lý.
Không chỉ tuyên bố thành lập quận “Tây Sa” và “Nam Sa”, Bộ Dân chính TQ ngày 19-4 còn công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở biển Đông. Lần này, TQ lại ngang nhiên tiến thêm một bước để theo đuổi các yêu sách phi pháp và âm mưu hiện thực hóa đường chín đoạn ở biển Đông.
Bất chấp đại dịch, TQ vẫn không ngừng thách thức các quốc gia và đe doạ an ninh biển Đông. Về lâu dài, hành động của TQ là nhằm định hình nhận thức phổ quát về cái gọi là chủ quyền của TQ ở biển Đông qua đường chín đoạn.
TQ muốn chứng tỏ quốc gia này hoàn toàn có khả năng quản lý hành chính, tiến hành các hoạt động kinh tế và triển khai quân sự tại vùng biển này.
Mỹ và ASEAN: Bây giờ hoặc không bao giờ
Là siêu cường thế giới, Mỹ có vai trò và lợi ích khi dự phần vào an ninh khu vực. Việc kêu gọi TQ tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực là đúng đắn nhưng chưa đủ.
Mỹ cần kết hợp gây áp lực lên TQ và phát triển quan hệ gắn bó hơn với ASEAN. Mỹ giúp ASEAN “chống đỡ” trước áp lực của TQ và ngược lại, khối này là bệ đỡ chính danh cho sự hiện diện và lợi ích của Mỹ ở biển Đông.
ASEAN là bệ đỡ chính danh cho sự hiện diện và lợi ích của Mỹ ở biển Đông. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Mỹ cần ủng hộ vai trò của ASEAN và siết chặt quan hệ với tổ chức này hơn bao giờ hết. Nếu Mỹ chậm chân, đại dịch sẽ khoét sâu khoảng trống quyền lực, tạo cơ hội để TQ thể hiện “tinh thần hào hiệp” nhằm củng cố ảnh hưởng và thắt chặt vòng kìm kẹp ở biển Đông.
Hơn nữa, khi dấu chân quân sự của TQ hiện diện rộng khắp ở biển Đông thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm đáng kể.
Để thúc đẩy tự do hàng hải ở biển Đông, Mỹ cần tăng cường tuần tra hàng hải để gây áp lực lên TQ. Những động thái gần đây chứng tỏ TQ có thể gia tăng quân sự hóa biển Đông trong thời gian tới.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ và các thành viên còn lại trong “tứ giác kim cương” là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc có thể tạo gọng kìm chặt hơn để giới hạn cũng như làm suy yếu các hành vi khiêu khích của TQ.
Hải quân bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines tập trận chung trên biển Đông hồi tháng 5-2019. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể giúp Việt Nam có khả năng kêu gọi tăng cường đàm phán đa phương. Bởi lẽ đàm phán đa phương giúp ASEAN có thêm sức mạnh thương lượng.
Với các quốc gia trong khu vực, đương đầu trực diện với TQ không phải là lựa chọn khôn ngoan. Đại dịch càng diễn biến phức tạp, TQ càng tiếp tục các hoạt động bành trướng ở biển Đông. Việt Nam có thể trên cơ sở đó để làm “cầu nối”, khuyến khích quan hệ gắn kết hơn giữa ASEAN và Mỹ.
Việc này được thực hiện thông qua các sáng kiến đa phương và các hành động phối hợp ở biển Đông với sự can dự và vai trò lớn hơn của các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc.
Các sáng kiến của ASEAN dù được thể chế hóa nhưng thiếu vắng sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh chủ chốt sẽ khó tạo sức ép toàn diện lên TQ. Vì vậy, những nỗ lực phối hợp có thể góp phần hạn chế các hành động bành trướng của TQ ở biển Đông, làm giảm áp lực của TQ trong các quan hệ song phương.
Những hành vi “lợi mình, hại người” gần đây của TQ ở biển Đông đang nhắc nhở các quốc gia về tâm thế luôn luôn cảnh giác trong bảo vệ chủ quyền. Các quốc gia ASEAN và Mỹ đang bị đe dọa bởi cuộc chiến “không có tiếng súng” của TQ ở biển Đông.
Một nỗ lực phối hợp và thống nhất để ngăn chặn các hành động bá quyền khu vực của TQ đang trở nên cấp thiết. Hành động can dự rõ nét, có tính phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh song hành cùng quyết tâm lớn hơn của ASEAN có thể giúp kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của TQ ở biển Đông.
(*) Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.