Trung Quốc ‘bị sốc’ với kế hoạch của Slovenia cho Đài Loan mở văn phòng đại diện

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ “vô cùng sốc” trước kế hoạch của Slovenia cho phép Đài Loan mở văn phòng tại đó, đồng thời nói rằng điều này sẽ gây tổn hại đến quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Theo tờ South China Morning Post, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19-1 cũng nói rằng những bình luận của Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, người đã chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 17-1, là “nguy hiểm”.

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa. Ảnh: GLOBAL TIMES

“Chúng tôi nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo Slovenia đã ngang nhiên đưa ra những nhận xét nguy hiểm thách thức nguyên tắc 'một Trung Quốc' và ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi vô cùng sốc vì điều này và hoàn toàn không đồng tình” – ông Triệu nói.

Nguyên tắc "một Trung Quốc" là quan điểm của Bắc Kinh rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi “Trung Quốc” và nó bao gồm đảo Đài Loan.

Chính quyền Đài Loan hôm 18-1 hoan nghênh các bình luận của ông Jansa và xác nhận rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để Đài Loan và Slovenia thành lập văn phòng đại diện trên lãnh thổ của nhau.

“Trên thực tế, chúng tôi có quan hệ bình thường với Đài Loan. Năm ngoái, khi chúng tôi nhìn thấy một số biện pháp chống đại dịch tốt ở Đài Bắc, tôi đã đích thân gọi điện cho lãnh đạo y tế Đài Loan và chúng tôi đã có một cuộc hội thảo qua video, trao đổi kinh nghiệm của mình. Cá nhân tôi đã đến thăm Đài Loan bốn hoặc năm lần cho đến nay” – ông Jansa nói với đài truyền hình Ấn Độ Doordarshan.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Jansa thậm chí đã gọi Đài Loan là một “quốc gia” tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, bao gồm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để “thống nhất”. Bắc Kinh cũng cảnh báo các nước khác không nên tiếp xúc chính thức với hòn đảo này.

Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với Lithuania sau khi quốc gia châu Âu này ký một thỏa thuận với Đài Loan vào tháng 7 để mở văn phòng đại diện bằng chính tên Đài Loan tại thủ đô Vilnius, thay vì dùng cụm từ được Bắc Kinh ưa chuộng hơn là “Trung Quốc Đài Bắc”. Văn phòng này đã khai trương vào tháng 11.

Chính phủ Trung Quốc kể từ đó đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania. Các công ty châu Âu cũng phàn nàn rằng họ đang phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc để ngừng sử dụng các linh kiện sản xuất tại Lithuania - điều mà Bắc Kinh đã phủ nhận.

Ông Lu Shaye, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài France 24 đầu tuần này rằng Trung Quốc cần bảo vệ lợi ích của mình nhưng chưa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Lithuania, hy vọng nước này sẽ “sửa chữa những sai lầm của mình”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 17-1, ông Jansa cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Lithuania, quốc gia đang bị Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa sau quyết định cho Đài Loan mở văn phòng ở thủ đô Vilnius.

“Thành thật mà nói, đại đa số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có một kiểu văn phòng đại diện nào đó với Đài Loan. Lithuania không phải là một ngoại lệ. Có một số khác biệt nhỏ trong việc đặt tên, nhưng điều này không quan trọng” – ông Jansa nói.

Thủ tướng Slovenia mô tả các biện pháp trừng phạt kinh tế gián tiếp của Trung Quốc là “đáng sợ”. Trong khi đó, EU cho biết quyết định của Lithuania phù hợp với “chính sách một Trung Quốc” của khối, theo đó các mối quan hệ thương mại và văn hóa với Đài Loan không thể hiện sự công nhận tư cách quốc gia của hòn đảo này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm