Trong ngày 16-3, Trung Quốc phát hiện 21 trường hợp nhiễm mới COVID-19, trong đó chỉ có một trường hợp là ca nhiễm trong nước và 20 người đã nhiễm bệnh ở nước ngoài, theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC).
Cũng trong ngày 16-3, có 13 người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc, bao gồm 12 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc (11 người ở TP Vũ Hán) và một người ở tỉnh Thiểm Tây.
Đến hết ngày 16-3, Trung Quốc đã có 80.881 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3.226 người đã tử vong. Có 68.679 bệnh nhân đã được chữa khỏi và đã xuất viện.
Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh tăng cường kiểm dịch đối với các du khách nhập cảnh vào Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm bệnh từ nước ngoài lớn hơn số bệnh nhân nhiễm bệnh trong nước. Tổng số ca bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc là 143 người.
Phòng dịch từ bên ngoài là nhiệm vụ trọng tâm
Theo ông Wang Jun, một quan chức thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, "ngăn chặn các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc", hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết.
Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại sân bay để sàng lọc và cách ly người bệnh nhập cảnh tại các sân bay của thành phố này. Trong ngày 16-3, thủ đô Bắc Kinh đã phát hiện chín ca bệnh đi từ nước ngoài vào Trung Quốc.
Tất cả chuyến bay quốc tế tới sân bay mới Đại Hưng sẽ được chuyển hướng về sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh cũ hơn ở phía đông bắc thành phố.
Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh đã bố trí khu vực nhập cảnh riêng cho tất cả du khách trên các chuyến bay quốc tế và yêu cầu những du khách này phải được kiểm tra sức khỏe trước khi rời đi.
Khách quá cảnh sẽ tiếp tục lên chuyến bay tiếp theo của mình. Khách nhập cảnh sẽ được đưa đến nơi cách ly tập trung và buộc phải ở đó trong 14 ngày.
Bệnh viện Tiểu Thang Sơn được mở cửa trở lại để điều trị cho người nhiễm COVID-19 nhập cảnh vào Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ngày 16-3, thành phố này cũng đã mở cửa trở lại BV Tiểu Thang Sơn - nơi từng tham gia điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS năm 2003 - để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh từ nước ngoài, theo Tân Hoa Xã.
Chính sách tài chính và pháp lý đối với ca bệnh từ nước ngoài
Thủ đô Bắc Kinh và TP Thượng Hải thông báo sẽ thu phí điều trị đối với tất cả các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nếu người đó không mua bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thương mại ở Trung Quốc.
Cùng với đó, bất kỳ ai xem thường và không tuân thủ các quy định cách ly sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Môt người phụ nữ 37 tuổi đang bị điều tra hình sự với cáo buộc cản trở hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm sau khi từ Los Angeles (Mỹ) về Bắc Kinh hồi tuần trước, Tân Hoa Xã cho biết.
Người này và gia đình đã mua vé máy bay về Trung Quốc để chữa bệnh sau khi một đồng nghiệp của bà ở Mỹ bị phát hiện dương tính với virus gây dịch COVID-19 và tạo ra nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay.
Bà này sốt cao khi nhập cảnh. Bà đã được xét nghiệm và xác nhận cũng nhiễm COVID-19. Chống và con trai của bà này đang được cách ly.
Một sĩ quan cảnh sát Bắc Kinh cho biết họ sẽ tiếp tục nghiêm túc xử lý các trường hợp không trung thực trong tờ khai y tế và các hành vi bất hợp pháp khác vi phạm các quy định ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Theo hướng dẫn mới nhất được ban hành ngày 16-3, người nhiễm bệnh từ chối cách ly hoặc không điền đầy đủ và trung thực tờ khai y tế tại cửa khẩu có thể phải đối mặt với các bản án hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự Trung Quốc, người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến ba năm tù vì hành vi này.
Trung Quốc vẫn là nước có nhiều ca nhiễm và nhiều người chết vì COVID-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp còn Trung Quốc đã khống chế số ca nhiễm mới trong nước ở mức một con số.
Tính đến 4 giờ 15 phút chiều 17-3, toàn thế giới đã có hơn 179.500 ca nhiễm COVID-19, 7.122 người chết và 79.626 bệnh nhân đã xuất viện. Ý là tâm dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc với 2.158 người tử vong (tương đương 2/3 số ca tử vong ở Trung Quốc) trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh, theo báo South China Morning Post.