Hãng tin Reuters ngày 26-8 dẫn lời cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ Trung Quốc cho biết Trung Quốc có thể sẽ hạn chế xuất khẩu dược phẩm và chất tiền chế nếu Mỹ tiếp tục ngăn Bắc Kinh tiếp cận nguồn cung chip máy tính.
Theo Reuters, nước Mỹ phụ thuộc đáng kể vào lượng dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, một vấn đề bộc lộ rõ đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, cố vấn kinh tế chính phủ Trung Quốc - ông Lý Đạo Quỳ khẳng định mặc dù Trung Quốc chưa dùng dược phẩm làm áp lực với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể hạn chế Washington nhập khẩu dược phẩm nếu Washington ngăn nước này tiếp cận chất bán dẫn.
Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Lý nói: “Với vitamin và thuốc kháng sinh, hơn 90% nguyên liệu thô của họ được sản xuất tại Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ không đủ khả năng sản xuất chúng trong thời gian ngắn. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không làm điều này trước, nhưng nếu Mỹ không chơi đẹp, chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả”.
Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề này sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới bằng các biện pháp như chuyển nhà máy sản xuất những sản phẩm dược quan trọng từ Trung Quốc về Mỹ, tạo việc làm và giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài như Trung Quốc.
Giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, cố vấn chính phủ Trung Quốc - ông Lý Đạo Quỳ. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống đến mức thấp nhất từ trước đến nay trong vài tháng trở lại đây do bất đồng giữa hai quốc gia về hàng loạt vấn đề từ thương mại, ngoại giao đến đại dịch COVID-19, luật an ninh mới ở Hong Kong và tranh cãi xung quanh vấn đề Đài Loan.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã siết chặt thêm các lệnh trừng phạt, hạn chế tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tiếp cận công nghệ và phần mềm của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào danh sách đen nhằm ngăn Huawei mua các thiết bị bán dẫn của Mỹ mà không cần giấy phép đặc biệt, trong đó có các chip điện tử phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ.
Ông Lý cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bằng các lệnh cấm vận nhằm vào các doanh nghiệp như Huawei. Nhưng ông cảnh báo nếu Mỹ cắt hoàn toàn nguồn cung chip điện tử, đó sẽ là "giọt nước tràn ly".
"Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng nguồn cung thuốc", ông nói. Mặt khác, ông Lý cho rằngTrung Quốc nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho kịch bản Mỹ có thể cô lập nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Theo ông Lý, việc cắt các ngân hàng Trung Quốc khỏi SWIFT sẽ là một hành vi “khủng bố kinh tế” và hai bên cần phải nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề này.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng nếu phía Mỹ đưa ra lý do không hợp lý, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng” - Giáo sư Lý tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fox News, Tổng thống Trump nói Mỹ sẽ "tách rời" quan hệ kinh tế với Trung Quốc nếu Bắc Kinh có cách "đối xử không thỏa đáng".
Mặc dù nguy cơ tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là khó xảy ra, nhưng chính quyền Tổng thống Trump dường như đang tìm cách giảm phụ thuộc một phần ở những lĩnh vực quan trọng liên quan đến thương mại, công nghệ và tài chính, Reuters nhận định.
Washington trước đó đã có hàng loạt hành động nhắm vào Trung Quốc, bao gồm đề xuất hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán, cấm ứng dụng TikTok và WeChat của nước này tại Mỹ.
Điểm sáng hiếm hoi giữa mối quan hệ hai nước chính là buổi điện đàm thương mại hôm 25-8 của đại diện hai quốc gia, lần đầu tiên kể từ khi hai nước ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi đầu năm 2020.
Cuộc điện đàm được mô tả là nỗ lực đối thoại mang tính xây dựng duy nhất còn lại trong mối quan hệ đang rạn nứt giữa hai cường quốc. Cả hai bên đã hứa sẽ thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận thương mại.