Bắc Kinh đang điều tra các báo cáo của Hàn Quốc về những bưu kiện quốc tế được gửi ngẫu nhiên từ Trung Quốc, bao gồm một số bưu kiện có thể chứa vật liệu nguy hiểm không xác định.
Lính cứu hỏa được điều đến một bưu điện ở Seoul sau khi phát hiện một bưu kiện đáng ngờ ở đó hôm 21-7. Ảnh: YONHAP |
“Chúng tôi đã nhận được yêu cầu hỗ trợ điều tra của Hàn Quốc. Sự việc đang được xem xét. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với Hàn Quốc”- tờ South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo hôm 24-7.
Trước đó cùng ngày, phía Hàn Quốc cho biết rằng cảnh sát nước này đã nhận được tổng cộng 2.141 báo cáo từ khắp đất nước về các bưu kiện quốc tế đáng ngờ. Các cuộc điều tra về 679 trường hợp cho thấy không có mối liên hệ nào với khủng bố và không có chất độc hại hoặc nguy hiểm nào được phát hiện.
Văn phòng thủ tướng Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi xác nhận rằng không có nghi ngờ gì về khủng bố, cũng như không có mối đe dọa khủng bố, thông tin tình báo liên quan hay thương vong nào”.
Các nhà chức trách đã nhận được báo cáo đầu tiên về một bưu kiện đáng ngờ vào ngày 20-7 từ một trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở TP Ulsan (đông nam Hàn Quốc). Ba nhân viên tại cơ sở trên đã phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt và khó thở sau khi mở một gói hàng.
Một hóa đơn trên bưu kiện cho biết nó đã được gửi từ Đài Loan. Nhưng sau cuộc điều tra của cơ quan hải quan Đài Loan, phái bộ Đài Bắc tại Hàn Quốc cho biết bưu kiện có nguồn gốc từ Thâm Quyến (miền nam Trung Quốc) và đến Hàn Quốc qua ngả Đài Loan.
Ngay sau đó, giới chức tiếp tục nhận các báo cáo trên khắp Hàn Quốc về những gói hàng đáng ngờ tương tự, khiến chính phủ nước này phải cảnh báo công dân không được mở các bưu kiện trừ khi chúng hiển thị rõ ràng danh tính người gửi.
Một số gói chứa son dưỡng môi hoặc các sản phẩm rẻ tiền khác trong khi những gói khác không chứa gì bên trong.
Các nhà điều tra Hàn Quốc đang xem xét khả năng các gói hàng có liên quan khả năng đây là một kiểu lừa đảo “brushing scam”, trong đó những người bán hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến gửi các sản phẩm đến nhiều địa chỉ dù chưa được đặt hàng, để tạo niềm tin rằng người nhận đó là những người đã viết nhận xét chấm điểm cao sau khi trải nghiệm dịch vụ của cửa hàng, từ đó hợp thức hóa những nhận xét giả mạo.
Vào năm 2020, những hạt giống bí ẩn đã được gửi từ Tô Châu ở miền đông Trung Quốc đến nhiều người nhận ở Mỹ và Canada. Các nhà chức trách cảnh báo người dân không gieo hạt giống vì lo ngại về khả năng khủng bố sinh học. Các nhà điều tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ sau đó đã xác nhận các bưu kiện này là một phần của hành vi lừa đảo “brushing scam”.