Khi có thông tin cho rằng Trung Quốc đang gây áp lực buộc Tập đoàn Alibaba của Jack Ma phải bán tờ South China Morning Post (SCMP) thì các nhân viên thuộc tờ báo này bắt đầu lo ngại về tương lai của tờ báo 117 năm tuổi này, báo The Straits Times đưa tin.
Trung Quốc muốn tiếp quản SCMP
Hãng Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết trong một số cuộc họp năm ngoái, quan chức chính quyền Bắc Kinh bày tỏ thái độ không hài lòng về việc tập đoàn công nghệ Alibaba (có trụ sở tại TP Hàng Châu, Trung Quốc) nắm giữ phương tiện truyền thông và lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Do đó, họ yêu cầu tập đoàn Alibaba phải rút vốn, chuyển nhượng lại quyền sở hữu tờ SCMP cùng các “tài sản truyền thông” của tập đoàn.
Trước đó, tờ The Wall Street Journal cũng đưa tin chính phủ Trung Quốc đang yêu cầu Alibaba từ bỏ ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông.
Trong nhiều năm qua, gã khổng lồ công nghệ này đã lặng lẽ mở rộng cả trong lĩnh vực truyền thông. Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, Alibaba nắm quyền quản lý báo in, báo điện tử, các công ty sản xuất truyền hình, mạng xã hội và công ty quảng cáo. Hiện tập đoàn Alibaba đang sở hữu 30% cổ phần tại nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo, nắm một số cổ phần tại Twitter và sở hữu tờ báo SCMP - tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Hong Kong, được thành lập vào năm 1903.
Tờ báo tiếng Anh lâu đời nhất Hong Kong có nguy cơ về tay Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
Khi Alibaba mua SCMP vào năm 2015 với giá 266 triệu USD, họ đã đầu tư một lượng lớn tiền cho các hoạt động của tờ báo và cam kết rằng tờ báo lâu đời này sẽ giữ được sự độc lập về biên tập.
Sau khi về tay Alibaba, tờ báo liên tục bị chỉ trích vì nghiêng về phía Bắc Kinh nhiều hơn. Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra vào năm 2019, các nhà báo của SCMP đã đưa tin chặt chẽ về các cuộc biểu tình, đăng tải các ý kiến đa dạng và thậm chí là có bài chỉ trích Trung Quốc.
Mặc dù vậy, hiện một số nhân viên lo ngại rằng một công ty quốc doanh Trung Quốc đang lên kế hoạch để tiếp quản Alibaba và tờ SCMP sẽ về tay Bắc Kinh, một nhân viên giấu tên cho biết.
Một động thái như vậy sẽ đánh dấu một trong những đòn giáng mạnh nhất chưa từng có đối với ngành công nghiệp truyền thông ở Hong Kong, nơi các hãng truyền thông độc lập phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng lên Hong Kong vào năm ngoái.
Ông Jack Ma đang được cho là bị gây áp lực để chuyển nhượng lại tờ SCMP. Ảnh: BLOOMBERG
“Có nghi ngờ rằng nếu một công ty hoặc một tỉ phú Trung Quốc tiếp quản nó, thì họ sẽ thay đổi đường lối của tờ báo" - ông Keith Richburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông tại Đại học Hong Kong, cho biết.
SCMP không có kế hoạch thay đổi quyền sở hữu
Một bản ghi nhớ nội bộ của SCMP được gửi cho hãng tin Bloomberg hôm thứ 16-3 cho biết, Giám đốc điều hành SCMP, ông Gary Liu đã bác bỏ những thông tin về việc Alibaba đang bị ép bán tờ báo này.
"Hãy yên tâm rằng cam kết của Alibaba đối với SCMP vẫn không thay đổi và họ tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh và mục tiêu kinh doanh của chúng tà" - ông Liu viết trong bản ghi nhớ.
Một tin nhắn được ông Liu gửi đi sau đó nhắc lại rằng tờ báo "không có kế hoạch thay đổi quyền sở hữu."
"SCMP vẫn cam kết phục vụ độc giả toàn cầu bằng báo chí độc lập và phân tích chuyên sâu, như chúng tôi đã làm hơn 117 năm nay" - người phát ngôn của tờ báo cho biết qua email.
Trung Quốc gây áp lực cho truyền thông Hong Kong
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã gây áp lực lên các nhà báo Hong Kong, đáng chú ý nhất là vụ bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai vào tháng 11.
Ông Lai là người sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily. Hiện ông Lai vẫn bị giam giữ vì cáo buộc cấu kết với các lực lượng bên ngoài đe dọa luật an ninh quốc gia và đây vốn là một điều bị cấm theo luật mới vừa được áp dụng ở Hong Kong. Ông Lai bị từ chối bảo lãnh. Cảnh sát cũng đã tiến hành một cuộc đột kích cấp cao vào tòa soạn báo Apple Daily và đã bắt giữ các giám đốc điều hành khác của công ty truyền thông Next Digital - công ty sở hữu Apple Daily.
Ông Ronson Chan, phó tổng biên tập của trang tin Stand News có trụ sở tại Hong Kong, chuyên đưa tin về vấn đề ủng hộ dân chủ Hong Kong cho biết rằng ông đã chuẩn bị cho việc mình có thể bị bắt.
“Tôi đã chuẩn bị cho việc mình sẽ bị bắt. Tôi chưa sẵn sàng rời Hong Kong, cũng như Stand News. Hong Kong cần chúng tôi. Những người Hong Kong vẫn tin tưởng vào các giá trị của tự do báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang dần tiếp quản Hong Kong" - ông Chan cho biết.
Kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào năm ngoái, các phương tiện truyền thông đã bắt đầu thận trọng vì sợ vi phạm các điều khoản về lật đổ và ly khai.
Chính quyền Hong Kong trong tháng này đã bổ nhiệm một quan chức sự nghiệp không có kinh nghiệm truyền thông làm giám đốc đài truyền hình công cộng Radio Television Hong Kong, nơi những chương trình chỉ trích chính quyền đều bị cắt bỏ hoặc chỉnh sửa.
Trong khi đó, chính quyền Hong Kong vẫn nhiều lần nói rằng tự do báo chí vẫn còn nguyên vẹn bất chấp luật an ninh mới.