Tin từ đài NHK (Nhật) cho hay trong một báo cáo được công bố ngày 2-10, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường hoạt động tại các khu vực khai thác dầu trên biển Hoa Đông.
Tăng khai thác đơn phương
Báo cáo của CSIS cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp thêm 3 giàn khoan mới ở vùng biển nằm bên phía Trung Quốc của đường trung tuyến ngăn cách vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước trên biển Hoa Đông.
Cũng theo báo cáo, các tàu chiến của Trung Quốc còn tăng cường hoạt động ở vùng biển gần các giàn khoan mới này trong giai đoạn từ tháng 7-9 năm nay. Như vậy, số giàn khoan mà Trung Quốc lắp đặt tại khu vực biển Hoa Đông cho đến thời điểm hiện tại là 19.
Đài NHK đưa tin về báo cáo Trung Quốc lắp thêm 3 giàn khoan trên biển Hoa Đông. (Ảnh chụp màn hình)
Hồi năm 2008, Tokyo và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận cùng phát triển các khu vực khai thác dầu chung ở khu vực, nơi Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn chưa có đường biên giới rạch ròi chính thức.
Tuy nhiên, theo giới chức Nhật Bản, Bắc Kinh vẫn vi phạm bất chấp thỏa thuận này cấm hoạt động khai thác đơn phương. Kể từ khi các cuộc đàm phán tiếp theo để ký một hiệp ước chính thức bị trì hoãn, Tokyo nghi ngờ Bắc Kinh lắp đặt các giàn khoan và đưa vào hoạt động gần biên giới trên biển giữa hai nước.
Hồi tháng 8, chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị lên Trung Quốc bằng ngoại giao sau khi một giàn khoan của Trung Quốc tiến hành một số hoạt động khai thác trong khu vực. Tokyo thời điểm đó yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay hành động đơn phương của mình.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một mực khẳng định việc khai thác được tiến hành ở vùng biển không tranh chấp và căn cứ theo quyền của Trung Quốc.
Hiện chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên của CSIS.
Trung Quốc “quân sự hóa” giàn khoan?
Nghiêm trọng hơn, cũng trong tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện Trung Quốc lắp thiết bị radar trên một giàn khoan khai thác khí gần vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông kể từ cuối tháng 6.
Ảnh chụp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Truyền thông Nhật Bản lúc bấy giờ cho biết Tokyo lo ngại việc lắp đặt radar là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định sử dụng các giàn khoan khai thác dầu và khí ở vùng biển tranh chấp để làm các căn cứ quân sự. Bởi lẽ, radar thường được lắp đặt trên các tàu tuần tra và việc lắp thiết bị này trên các giàn khoan là không cần thiết.
Nhật Bản cũng phát hiện các tàu tuần duyên Trung Quốc và khoảng 230 tàu cá của nước này di chuyển gần vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo Nikkei, đây là đơn vị radar đầu tiên bị phát hiện gắn trên giàn khoan của Trung Quốc trong khu vực. Tokyo đã tiến hành phân tích năng lực của radar này và lo ngại Bắc Kinh đang có ý định tăng cường hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông.
Các động thái của Trung Quốc diễn ra giữa bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng như các căng thẳng trong vấn đề lịch sử. Do đó, những lo ngại của Nhật Bản đối với các bước đi của Trung Quốc là điều dễ hiểu.