Trung Quốc đã phản ứng lại việc Mỹ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, đài ANI (Ấn Độ) đưa tin.
Trong cuộc họp báo ngày 3-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích các cáo buộc mà Bắc Kinh gọi là "vô căn cứ" liên quan tới yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
"Chủ quyền lãnh thổ (phi pháp - PV), quyền hàng hải và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài và được tất cả các chính quyền Trung Quốc khẳng định, điều này phù hợp với Hiến chương LHQ và (Công ước LHQ về Luật Biển) UNCLOS" - ông Triệu ngang ngược tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo ngày 3-6 ở Bắc Kinh. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC
Tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft hôm 1-6 chính thức gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong công hàm, Mỹ phản đối toàn bộ yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc nêu ra trong công hàm CML/14/2019 khi tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, quần đảo Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát), bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough.
Đại sứ Craft cũng khẳng định Washington bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Bắc Kinh ở Biển Đông, cho rằng các luận điệu liên quan đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS - văn kiện quan trọng về luật quốc tế mà Trung Quốc là một thành viên.
Bên cạnh việc gửi công hàm thông qua Phái đoàn thường trực tại LHQ, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công khai chỉ trích yêu sách của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng các yêu sách của Bắc Kinh là "phi pháp và nguy hiểm". Ông Pompeo kêu gọi các nước thành viên LHQ đoàn kết để bảo vệ luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.
Về phía Việt Nam, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ngày 30-3 cũng đã gửi công hàm phản đối công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc nêu ra trong công hàm nói trên.
"Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”, Phái đoàn thường trực Việt Nam nêu rõ.