Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), thỏa thuận hạt nhân Iran có một ý nghĩa quan trọng với TQ. Iran và TQ từ lâu có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, thương mại và năng lượng. TQ nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, đổi lại thì Iran nhận được các khoản đầu tư khổng lồ. Đặc biệt, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại đường bộ mà TQ đầu tư ở Iran là mối liên kết kinh tế chủ lực giữa hai nước.
TQ được xem là đối tác thương mại hàng đầu của Iran. TQ đã cho nhập khẩu 3,34 triệu tấn dầu từ Iran hồi tháng 8.
Trong chuyến thăm Tehran sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phê duyệt mức đầu tư 600 tỉ USD trong 10 năm tới nhằm tăng cường thương mại song phương giữa hai nước. “Tình hữu nghị TQ và Iran đã đứng vững trước những thử thách của một bối cảnh quốc tế thăng trầm” - ông Tập nhận định.
Các dự án năng lượng cũng là một trong những hạng mục đầu tư quan trọng của TQ ở Iran. Hồi tháng 7, Tập đoàn Dầu khí quốc gia TQ (CNPC) đã nắm giữ 30% cổ phần của dự án phát triển South Pars, mỏ khí thiên nhiên lớn nhất trên thế giới ở Iran. Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của Iran.
Ngoài ra, với vị trí đắc địa trong chiến lược “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng, Iran trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh ở khu vực Trung Đông. Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ cho biết đã tài trợ cho 26 dự án ở Iran với tổng khoản vay 8,5 tỉ USD. Các công ty TQ cũng tham gia xây dựng đường cao tốc, khai thác và sản xuất thép ở Iran với khoản đầu tư hàng tỉ USD, trong đó nổi bật nhất là tuyến đường sắt cao tốc 2,56 tỉ USD nối Tehran với TP Mashhad ở miền Đông.
Do đó, theo tờ SCMP, việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký năm 2015 có thể sẽ làm cho tình hình kinh tế và an ninh của Iran mất ổn định, mà điều này sẽ gián tiếp làm ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế và địa chính trị của cả TQ, đất nước có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Iran.