Theo Cục Hải cảnh TQ, cái gọi là “mùa cấm đánh bắt cá ở Biển Đông” sẽ bắt đầu có hiệu lực từ chiều 1-5 đến ngày 16-8-2020. Phạm vi TQ tuyên bố áp đặt lệnh cấm là các vùng biển thuộc vĩ tuyến 12 độ bắc trở lên ở Biển Đông.
Như vậy, một số vùng biển của Việt Nam cũng bị Bắc Kinh ngang ngược muốn ngăn cản ngư dân đánh bắt hải sản. Phía TQ không ngại phát ngôn khiêu khích, đe dọa khi nhấn mạnh lực lượng hải cảnh và bộ phận phụ trách nghề cá TQ sẽ giám sát việc thực hiện lệnh cấm.
Năm 2019, TQ cũng ngang ngược thông báo lệnh cấm đánh bắt cá tại các vùng biển nói trên vào cùng giai đoạn tháng 5 đến tháng 8. Trên thực tế, Bắc Kinh thực hiện hành vi phi pháp này một cách liên tục, ấn định cùng khoảng thời gian như nhau kể từ năm 1999. Mặc dù lệnh cấm này của TQ đánh thẳng vào nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân các nước trong vùng, thực tế nó cũng là một mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Thứ nhất, TQ muốn thể hiện việc thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển đường lưỡi bò mà Bắc Kinh tuyên bố yêu sách. Đến năm 2009, TQ đệ trình lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc Công hàm số CML/17/2009 có bản đồ đường lưỡi bò. Dù yêu sách này được chứng minh “không thể chối cãi” là không có giá trị pháp lý sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Bắc Kinh duy trì “mùa cấm đánh bắt” để bảo lưu sự phi pháp của họ.
Thứ hai, TQ muốn các nước “làm quen” với “mùa cấm đánh bắt”. Trong khi TQ thất thế trên mặt trận pháp lý, nước này đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) để đe dọa, va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Việc này đánh vào tâm lý để tạo thói quen đối với ngư dân các nước rằng “hễ tháng 5 về thì đừng vào BiểnĐông”. Về mặt thực địa, nếu ngư dân các nước sợ hãi và tránh né thì TQ sẽ chiếm thếthượng phong, tạo đà thể chế hóa sự quản lý.
Điều quan trọng là không nên tách rời lệnh cấm đánh cá phi pháp với các hành xử khác của TQ ở Biển Đông. Việc TQ quấy rối hoạt động kinh tế, dân sự, quân sự của các nước; tuyên truyền yêu sách Tứ Sa (ôm hơn 90% Biển Đông); quân sự hóa Biển Đông; xây dựng các cơ sở (có vỏ bọc) dân sự; …cũng đều được TQ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm. Mỗi hành vi ấy được TQ chọn lựa thời điểm, tần suất, mức độ thực hiện rất bài bản để các nước phản đối nhưng không gây chiến hay tạo xung đột. Giới quan sát gọi chiến thuật “tằm ăn dâu” hay các thuật ngữ tương tự chính là như vậy.
Thế nên, ngoài việc phản đối và tuyên truyền hành xử sai trái của TQ cho cả thế giới đều biết, các nước khu vực phải nâng cao năng lực quốc phòng và dân sự trên biển. Trong đó, các đội tàu cá phải được hiện đại hóa, sành sỏi các giải pháp, kịch bản ứng phó các tàu TQ. Các quốc gia nên tuần tra chung để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động đánh cá hợp pháp của ngư dân. Việc chia sẻ thông tin tình báo để cùng nhau phối hợp ứng phó với TQ dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế là vô cùng quan trọng.
Năm 2019, tàu cá Philippines bị tàu TQ đâm chìm và được tàu Việt Nam cứu. Đầu năm 2020, tàu cá Việt Nam cũng bị tàu TQ đâm chìm. Việc cả hai nước cùng lên tiếng ủng hộ nhau và chỉ trích TQ đã tạo ra một hiệu ứng về ngoại giao và truyền thông rất tốt. Đó là nền tảng và gợi ý để các nước cùng xây dựng sáng kiến, thể chế nhằm đảm bảo quyền đánh bắt cá hợp pháp cho người dân, vô hiệu hóa sự bắt nạt, đe dọa từ Bắc Kinh.