Trung Quốc, Pháp kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán hòa bình

(PLO)- Trung Quốc và Pháp đồng ý hướng giải quyết tốt nhất cho xung đột Nga - Ukraine vẫn là đàm phán hòa bình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Nga - Ukraine thời điểm này xuất hiện nhiều diễn biến rất đáng lo ngại, đặc biệt khi các tỉnh do Nga kiểm soát ở Ukraine bắt đầu bước vào quá trình trưng cầu dân ý để ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Trong bối cảnh này, ngày càng có nhiều ý kiến hối thúc các bên liên quan đàm phán hòa bình để kết thúc xung đột. Nổi bật trong đợt kêu gọi này là Trung Quốc (TQ) và Pháp.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22-9. Ảnh: SCMP

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22-9. Ảnh: SCMP

Trung Quốc kêu gọi hai bên đàm phán vô điều kiện

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 22-9, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nhấn mạnh cách duy nhất để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine lúc này là “thông qua đàm phán và đối thoại”, theo đài RT. Ông Vương kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế và “ưu tiên hàng đầu là nối lại đàm phán vô điều kiện”.

Ông Vương cũng khẳng định rằng Bắc Kinh đến nay duy trì một cách rõ ràng và nhất quán quan điểm trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. TQ tin rằng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia cần được tôn trọng, đồng thời những lo ngại an ninh của tất cả các bên cần được xem xét nghiêm túc. Ông Vương nhấn mạnh rằng “TQ sẵn sàng mọi nỗ lực có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Trước đó, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 21-9, ông Vương bày tỏ hy vọng rằng Moscow và Kiev sẽ không từ bỏ nỗ lực đàm phán và giải quyết các quan ngại an ninh thông qua đàm phán hòa bình.

Pháp: Mục tiêu lớn nhất là hòa bình

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh BFM TV hôm 22-9 sau phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào leo thang xung đột Nga - Ukraine đều là một sai lầm và sẽ khiến nước đó bị cộng đồng quốc tế cô lập. Lập trường của Pháp là muốn Ukraine tiếp tục “đẩy lùi lực lượng Nga” để giữ vững lãnh thổ, còn vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine là “giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ và không bao giờ tấn công Nga”.

Ông Macron cũng cho rằng mục tiêu lớn nhất lúc này là đạt được “hòa bình thông qua thương lượng” giữa Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định đây là lối thoát duy nhất cho cuộc xung đột.

Dù vậy, phát biểu lần này của ông Macron có phần khác với những gì ông tuyên bố hồi đầu tháng. Cụ thể, nhà lãnh đạo này từng tuyên bố tạo điều kiện cho Ukraine giành chiến thắng về mặt quân sự trước Nga hoặc giành được vị thế đủ mạnh để đạt được “một nền hòa bình thông qua thương lượng” với Moscow.

Sau khi phát lệnh động viên một phần vào ngày 21-9, phát ngôn viên quân đội Nga Vladimir Tsimlyansk cho biết đến nay đã có hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia nhập ngũ, trên tổng số 300.000 người dự kiến.

Viễn cảnh hòa đàm thế nào?

Trong một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chưa thể giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine thông qua các cuộc đàm phán trong hoàn cảnh hiện tại, theo hãng tin Interfax. Ông cho rằng Ukraine là bên phải chịu trách nhiệm khi để đàm phán hòa bình bị đình trệ.

Theo hãng thông tấn TASS, ngày 21-9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky nói rằng mọi triển vọng đàm phán với Ukraine sau khi vùng Donbass được sáp nhập vào Nga sẽ là không thể.

“Thật không may, các cuộc đàm phán đã bị bỏ ngỏ trong một thời gian. Phương Tây và chính quyền Kiev mà họ kiểm soát tuyên bố rằng họ chưa sẵn sàng đàm phán. Các chính trị gia Kiev trước đó đã nói rằng (Nga) đầu hàng là diễn biến duy nhất có thể... Chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nhưng Kiev đã vi phạm tất cả thỏa thuận” - TASS dẫn lời ông Slutsky nói khi được hỏi liệu đàm phán có khả thi hay không sau khi các cuộc trưng cầu dân ý về việc Donbass sáp nhập vào Nga hoàn tất.

Ông Slutsky cũng lưu ý rằng quá trình đàm phán từ lâu đã đi qua điểm không thể quay đầu. Việc này đã dẫn đến những diễn tiến quân sự và cái chết của dân thường nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây đã không quan tâm.

Trong khi đó, phát biểu trực tuyến tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ngày 21-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố kế hoạch hòa bình năm điểm, tức năm điều kiện hòa bình tiên quyết của Ukraine, theo tờ The Washington Post. Đó là (1) Trừng phạt đối với Nga; (2) Bảo vệ tính mạng người dân; (3) Khôi phục an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine; (4) Đảm bảo an ninh cho Ukraine; (5) Quyết tâm (của các bên) trong việc bảo vệ lãnh thổ của Ukraine. Bên cạnh đó, ông Zelensky còn thúc giục các nước trừng phạt Nga, tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Từ các động thái trên có thể thấy viễn cảnh hòa đàm vẫn mờ mịt khi hai bên vẫn chưa thể dung hòa bất đồng để tiến tới thỏa hiệp giải pháp chấm dứt xung đột.•

“Các lãnh đạo thế giới phải nói chuyện với ông Putin và ông Zelensky”

Các nhà lãnh đạo thế giới chưa làm đủ để chấm dứt xung đột ở Ukraine, RT dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các nhà báo ở New York ngày 22-9. Ông Erdogan kêu gọi những người đồng cấp tập trung vào ngoại giao với cả Moscow và Kiev để chấm dứt giao tranh.

Ankara luôn “tin tưởng vào sức mạnh của đối thoại và ngoại giao” - ông Erdogan nói, đồng thời chỉ ra những nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận ngũ cốc Istanbul giữa Moscow và Kiev cũng như vụ trao đổi tù nhân gần đây giữa hai bên.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia vào các nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan lưu ý rằng ông sẽ gọi cho ông Putin và ông Zelensky, cũng như sẽ tiếp tục “ngoại giao qua điện thoại”.

“Ở đây phải là nỗ lực chung của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới” và “mọi người” nên nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky để “mở cửa” cho ngoại giao”, theo ông Erdogan. Bất kỳ “cách tiếp cận tiêu cực” nào đối với hai nhà lãnh đạo sẽ “không mang lại kết quả mà chúng ta mong đợi”, mà chỉ mang lại nhiều chết chóc và tàn phá hơn, ông Erdogan cảnh báo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz là một trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn giữ liên lạc với ông Putin kể từ khi xung đột xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm