Ông đề nghị áp dụng ba giải pháp đối với Triều Tiên: Thực hiện triệt để lệnh cấm vận của LHQ, cắt đứt hoặc giảm quan hệ ngoại giao, tăng cường cô lập tài chính. Ông nhấn mạnh Trung Quốc (TQ) là nước có ảnh hưởng kinh tế duy nhất với Triều Tiên.
Để bảo đảm TQ nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã sử dụng “cây gậy” lẫn “cà rốt”. Một đằng Mỹ dịu giọng về các bất đồng thương mại lâu nay với TQ. Đằng khác, Mỹ đưa ra tối hậu thư: Hoặc hợp tác với Mỹ hoặc gánh chịu hậu quả nếu Mỹ hành động đơn phương.
TQ nắm bắt tín hiệu từ Mỹ nên đã áp dụng một số biện pháp như giảm mậu dịch xuyên biên giới và hạn chế giao dịch tài chính với Triều Tiên. TQ cũng đã cố ngăn chặn Mỹ can thiệp đơn phương với Triều Tiên, đồng thời vẽ ra viễn ảnh TQ sẽ lôi kéo Triều Tiên đàm phán và tăng cường hợp tác thương mại trong tương lai với Mỹ.
Dù vậy, chuyên san Stratfor (Mỹ) nhận xét TQ sẵn sàng hợp tác siết chặt lệnh cấm vận với Triều Tiên nhưng không phải với bất kỳ giá nào. TQ sẽ chỉ hợp tác nếu sự sống còn của nền kinh tế Triều Tiên không bị ảnh hưởng. Điều đó giải thích được vì sao quan hệ thương mại Trung-Triều vẫn tiếp tục.
Vấn đề đặt ra là các biện pháp trừng phạt mới liệu đủ sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân hay không.
Trong nhiều thập niên, TQ đã dựa vào Triều Tiên nhằm nhiều mục đích: Lấy Triều Tiên làm vùng đệm an toàn, ngăn chặn Mỹ mở rộng vai trò an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, ngăn chặn bán đảo Triều Tiên thống nhất. Ban đầu TQ cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là công cụ cần thiết để TQ duy trì các mục đích trên. Nay, do Triều Tiên có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn, TQ phải lựa chọn.
Hàn Quốc, Nhật và có thể Đài Loan đang nóng lòng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong khi đó, Triều Tiên dần dần vuột khỏi tầm tay của TQ, xung đột quân sự ở biên giới Trung-Triều có nguy cơ xảy ra và khả năng Triều Tiên gạt TQ sang một bên để đàm phán với Mỹ.
Trước những thách thức này, TQ phải chọn chiến lược dài hơi đối với Triều Tiên. TQ có thể đứng hẳn sau Triều Tiên hoặc Mỹ hay chỉ cần án binh bất động. Con đường nào cũng lắm chông gai trong khi thời gian không còn nhiều. Bởi thế TQ chọn giải pháp đỡ tệ nhất là tìm kiếm giải pháp ngoại giao đối với vấn đề Triều Tiên.
Trong điều kiện lý tưởng, Bình Nhưỡng sẽ chấp thuận dừng chương trình hạt nhân và nghe theo TQ ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng đến giờ thì Triều Tiên chưa chứng tỏ sẽ làm như thế trong khi Mỹ vẫn khăng khăng sẽ không đàm phán nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân.
Theo Stratfor, trong nội bộ TQ đã tính đến các giải pháp khác như hậu thuẫn lật đổ chính quyền Kim Jong-un. Dù vậy, không có gì bảo đảm loại trừ ông Kim Jong-un sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn ở Triều Tiên và cũng không loại trừ Mỹ sẽ nhân cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.