Cuộc tập trận diễn ra đúng vào ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm 2 ngày đến Hàn Quốc, trong đó lãnh đạo 2 nước đã ra tuyên bố chung thúc đẩy quan hệ song phương và phản đối vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng, nước cờ này của Trung Quốc là nhằm lôi kéo Hàn Quốc ra khỏi liên minh chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á nhưng dường như lại đang khiến Triều Tiên “phật lòng”.
Cuộc tập trận của Triều Tiên giả định tấn công vào 5 hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Hàn Quốc ở gần phía Tây Nam nước này với sự tham gia của bộ binh, hải quân và không quân. Giới quan sát cho rằng, sau hàng loạt vụ thử tên lửa tuần qua, đây là động thái thể hiện sự phản đối quyết liệt của Triều Tiên đối với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “phá lệ” đến thăm Seoul trước khi đến thăm Bình Nhưỡng.
Giới chức Triều Tiên cũng không thể không “phật lòng” khi đây đã là lần hội đàm thứ 5 trong vòng 1 năm qua giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong khi ông Tập Cận Bình còn chưa gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Giới quan sát nhận định với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Seoul, Trung Quốc muốn lôi kéo Hàn Quốc ra khỏi liên minh với Mỹ và Nhật để phá chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Washington.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye cũng hy vọng thông qua Trung Quốc để tác động đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình hầu như né tránh vấn đề này trong chuyến thăm 2 ngày đến Seoul.
Tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ mang thông điệp chung chung phản đối vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong khi ông Tập Cận Bình thậm chí không nhắc đến vấn đề này khi phát biểu ở Đại học Quốc gia Seoul ngày 4/7.
Thay vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao sự tương đồng về văn hóa lịch sử của 2 nước và chĩa mũi nhọn về những bất đồng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá khứ cũng như hiện tại.
Ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Sự phát triển quan hệ của bất cứ 2 quốc gia nào cũng phải dựa vào sự kết nối giữa người dân. Nếu sự hợp tác về mặt chính trị, kinh tế và an ninh giữa 2 nước là nền tảng cứng cho quan hệ song phương thì giao lưu văn hóa chính là nền tảng mềm cho tình hữu nghị giữa 2 bên. Với việc kết hợp 2 nền tảng đó, chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ chân thành giữa 2 nước”.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Seoul diễn ra vào một thời điểm thuận lợi khi mà cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều chia sẻ sự quan ngại chung trước việc Nhật Bản thay đổi cách hiểu về quyền phòng vệ tập thể.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, chủ yếu do vấn đề quá khứ chiến tranh và vụ tranh chấp quần đảo Dokdo theo cách gọi của Hàn Quốc, tức Takeshima theo cách gọi của Nhật Bản.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Evans Revere nhận định, việc lợi dụng sự bất hòa giữa 2 đồng minh lớn nhất của Washington ở châu Á sẽ giúp Trung Quốc chống lại chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, ông Chun Yung- woo, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung- bak cho rằng, dù đương kim Tổng thống Park Geun-hye có quan điểm cứng rắn với Nhật Bản nhưng sẽ “không để Bắc Kinh dụ dỗ”, bởi Seoul không muốn trở thành con tốt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã có đủ những tranh chấp về lãnh thổ khó giải quyết và Seoul hiểu rõ nguy cơ có thể trở thành nạn nhân trong tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Nhìn chung, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải tốn rất nhiều công sức để chia rẽ tam giác Mỹ - Nhật - Hàn tại châu Á - Thái Bình Dương./.