Nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp nước này tăng thêm ngày nghỉ trước sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm chủng virus Corona mới, sau khi 10 ngày nghỉ nối dài tết Nguyên đán kết thúc, theo kênh truyền hình Channel News Asia.
Báo South China Morning Post dẫn tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 10-2 xác nhận số ca nhiễm chủng virus Corona mới đã tăng hơn 40.554 ca, với gần 910 người tử vong.
Hiện tại, số người tử vong vì dịch Corona đã cao hơn nhiều so với đại dịch SARS năm 2002-2003 (774 người tử vong).
Công sở, nhà máy, trường học tiếp tục đóng cửa
Trước tình hình này, ngày 10-2 được cho là ngày làm việc trở lại, hàng loạt các công sở vẫn đóng cửa, giới văn phòng sẽ làm việc tại nhà.
Tờ Nikkei Business cho hay nhà chức trách Trung Quốc vừa buộc ngưng kế hoạch hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 10-2 của nhà cung cấp của Apple, Foxconn, với thông báo hoạt động tái sản xuất sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch.
Tập đoàn Công nghệ khổng lồ Tencent ngày 9-2 cũng yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà đến hết ngày 21-2.
Người dân đi lại trên một đường phố vắng vẻ tại TP Vũ Hán. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Trong khi đó, các trường học tiếp tục được yêu cầu đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Ví dụ như các trường học tại tỉnh Hà Bắc (giáp ranh với Bắc Kinh) cũng sẽ đóng cửa cho đến hết ngày 1-3.
Kênh Channel News Asia mô tả nhiều thành phố của Trung Quốc như “thành phố ma” trong suốt hai tuần qua bởi lệnh yêu cầu đóng cửa trường học, nhà máy, văn phòng cũng như hàng loạt chuyến bay đều bị hủy.
Có sự lo lắng, mất niềm tin vào dữ liệu dịch bệnh
Theo Channel Asia News, một làn sóng lo lắng, mất niềm tin vào dữ liệu cập nhật tình hình dịch bệnh đang xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
"Điều bực bội hơn cả là liệu đây có là số liệu "chính thức"" - một người dùng viết trên Weibo.
"Hơn 2.000 bác sĩ và y tá đã được điều đến Vũ Hán. Tại sao con số vẫn tăng?" - một người dùng Weibo bức xúc về số liệu người nhiễm bệnh và tử vong do dịch Corona.
"Đừng nói gì nữa. Chúng ta đều biết rằng không thể mua khẩu trang ở bất cứ đâu nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ phải quay lại làm việc” - một người dùng khác cho biết.
Người dùng Weibo Trung Quốc bày tỏ lo lắng với số liệu tình hình dịch bệnh. Ảnh: AFP
Giáo sư dịch tễ học Joseph Eisenberg tại Khoa y tế công cộng tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết còn quá sớm để nói liệu khi nào dịch bệnh do chủng virus Corona mới gây ra lên đến đỉnh điểm.
"Số liệu các trường hợp được báo cáo nhiễm bệnh có thể đạt đến đỉnh điểm nhưng chúng tôi không rõ điều gì đang xảy ra với các ca nhiễm chưa được báo cáo, ghi nhận. Đặc biệt là tại các khu vực nông thôn” - ông nói.
Tại một diễn biến khác, công dân Mỹ đầu tiên qua đời tại Vũ Hán vì dịch Corona được xác định là Giáo sư Hong Ling, một nhà di truyền học 53 tuổi. Ông Hong Ling từng nghiên cứu các vấn đề về dịch bệnh hiếm gặp tại Berkeley, bang California (Mỹ), theo tờ The Washington Post. Tuy nhiên, thông tin về bệnh tình của vị giáo sư này không được cho biết thêm.