Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21-8 xác nhận nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hong Kong tên Simon Cheng Man-kit đã bị bắt tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay Simon Cheng Man-kit, một nhân viên thương mại và đầu tư thuộc Tổng lãnh sự quán Anh tại Hong Kong, bị bắt vì vi phạm luật pháp.
Trung Quốc nói Simon Cheng Man-kit bị bắt vì vi phạm quy tắc an ninh công cộng. Ảnh: HKFP
“Cảnh sát Thâm Quyến đã ra lệnh bắt giam anh ta trong 15 ngày vì vi phạm nguyên tắc quản lý an ninh công cộng" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết trong một buổi họp báo ngày 21-8 nhưng không cung cấp chi tiết.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh nhân viên này là công dân Hong Kong, không phải công dân Anh, và là người Trung Quốc. Và đây hoàn toàn và vấn đề nội bộ của Trung Quốc” - ông Cảnh nói thêm.
Trung Quốc xác nhận thông tin trên một ngày sau khi Anh bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo nói Cheng (28 tuổi) đã bị bắt.
Gia đình Cheng xác nhận sự mất tích của anh trên một bài đăng trên Facebook đêm 20-8, nói rằng anh đã từ Hong Kong đến Thâm Quyến (thành phố tiếp giáp với Hong Kong) vào sáng 8-8 để dự một cuộc họp với doanh nghiệp nhưng sau đó không trở lại.
Bạn gái của Cheng, họ Li, người Đài Loan, 27 tuổi, đang làm việc ở Hong Kong, cho biết Cheng mất tích khi trở về nhà thông qua một chốt kiểm soát nhập cư tại ga cuối cùng West Kowloon của đường sắt cao tốc xuyên biên giới nối giữa Hong Kong với Thâm Quyến và Quảng Châu.
Cảnh sát Hong Kong ngày 20-8 xác nhận họ đã nhận được trình báo Cheng mất tích vào ngày 9-8 nhưng không nhận được bất kỳ thông báo nào từ giới chức Trung Quốc đại lục.
Sinh ra ở Hong Kong và theo học tại Đài Loan và London, Cheng làm việc tại lãnh sự quán Anh ở Hong Kong từ cuối năm 2017.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh đặc khu hành chính Hong Kong đối diện một cơn khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong hàng thập niên qua.
Những người biểu tình đã xuống đường biểu tình hơn hai tháng qua để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang Trung Quốc xét xử. Các vụ biểu tình leo thang thành các vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.
Người biểu tình yêu cầu chính quyền Hong Kong phải rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, điều tra việc cảnh sát sử dụng bạo lực với người biểu tình và Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.
Bắc Kinh đã lên án hành vi bạo lực của người biểu tình và ủng hộ chính quyền Hong Kong và bà Carrie Lam. Trung Quốc cũng nhiều lần yêu cầu Anh không can thiệp vào vấn đề Hong Kong cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc.