Bằng việc hoàn tất xây dựng sân bay quân sự trên hòn đảo này, chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc khẳng định “chủ quyền” phi pháp của mình tại Biển Đông.
Việc hoàn thành xây dựng sân bay là động thái khẳng định quyền kiểm soát mới nhất của Bắc Kinh đối với một vùng rộng lớn ở biển Đông, hai năm sau khi tuyên bố thành lập cái mà chính quyền Bắc Kinh ngang ngược gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm (của Việt Nam), còn Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng bất chấp sự phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Hòn đảo này có tác động lớn đến tuyến đường vận chuyển quan trọng chạy xuyên biển Đông, những mỏ dầu và mỏ khí đốt lớn của khu vực. Tân Hoa Xã chỉ đưa ra một số chi tiết nhưng cho biết sân bay dài 2000m, và ám chỉ “sân bay sẽ phục vụ cho mục đích quân sự”. “Qua việc hoàn thành và không ngừng cải thiện sân bay trên đảo Phú Lâm, máy bay quân sự có thể hạ cánh ở khu vực Hoàng Sa, một bước tiến lớn trong tăng cường khả năng phòng thủ ở Tây Sa và Nam Sa (cách Trung Quốc tự gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - ND)”.
Ảnh chụp từ trên không đảo Phú Lâm và cơ sở Trung Quốc xây dựng trên đảo. (Ảnh: AFP)
Qua hình ảnh được đăng tải, có thể thấy sân bay bao quanh bởi những cần cẩu xây dựng, cho thấy hoặc công trình chỉ vừa mới hoàn thành hoặc vẫn còn đang được xây dựng.
Theo Tân Hoa Xã, cái gọi là thành phố Tam Sa còn có một đồn quân sự và đang thiết lập hệ thống tuần tra để góp phần “bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng du lịch của Trung Quốc tại hòn đảo đang được đẩy mạnh.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Bất cứ hoạt động xây dựng nào trên quần đảo Hoàng Sa đều là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông và khu vực.