Tuy nhiên, dựa trên các thông tin được cơ quan chức năng thông tin trước đó, có nhiều điều cần suy nghĩ. Chẳng ở đâu, lúc nào mà việc bảo đảm trật tự xã hội chỉ đơn thuần dựa vào ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của con người. Nhà chức trách phải chủ động thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn và nếu ngăn chặn không được thì ít nhất cũng kịp thời xử lý những hành vi phạm pháp, nhằm hạn chế, khắc phục thiệt hại cho cộng đồng.
Đặc biệt, đối với những nguồn nguy hiểm cao độ, phải lắp đặt hệ thống đo lường, giám sát và phải để hệ thống này trong chế độ hoạt động thường trực. Điều đó tạo áp lực khiến chủ nhân nguồn nguy hiểm cao độ không dám lơi lỏng trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị, để khỏi sa vào những chuyện rắc rối với các cơ quan thực thi luật pháp.
Formosa ở Hà Tĩnh là một nguồn nguy hiểm cao độ điển hình. Ngay những người ít hiểu biết về chuyên môn cũng nhận thức được rằng một hệ thống sản xuất công nghiệp nặng đồ sộ như thế tất yếu chứa đựng nhiều rủi ro về môi trường. Bởi vậy việc xây dựng hệ thống kiểm tra độc lập đối với các hoạt động của nhà máy là hết sức cần thiết. Đặc biệt, trong điều kiện có đường xả thải tập trung dẫn ra biển, nhất thiết phải lắp đặt các thiết bị quan trắc ngay tại đầu ra để có thể kiểm soát chất lượng nước thải, cho phép kịp thời phát hiện những vụ xả thải trái pháp luật.
Từ hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt diễn ra liên tục và trên diện rộng, người ta mới lần mò tìm hiểu và biết rằng cho đến nay hệ thống sản xuất của Formosa chưa bao giờ được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát khách quan. Lý giải cho sự thiếu sót này, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của địa phương viện dẫn khó khăn về kinh phí.
Đúng là việc lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi các hoạt động sản xuất quy mô lớn như Formosa đòi hỏi một khoản tiền không nhỏ. Nhưng đáng lý ra chi phí này phải được ghi nhận trong quá trình xem xét để cấp giấy phép đầu tư. Chính nhà đầu tư đã phải trả khoản chi phí này chứ không phải nhà nước sở tại, hay đúng hơn, không phải người đóng thuế của nước sở tại. Họ phải trả, như một cách hoàn lại những phí tổn mà nước sở tại phải bỏ ra, để tạo điều kiện cho họ triển khai hoạt động kinh doanh để thu lợi nhuận. Hoàn toàn có đủ cơ sở để đưa khoản này vào tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư phải trả để được sử dụng phần đất mà họ mong muốn.
Sự thật thì họ đã trả tiền rồi và hẳn trong số tiền đó không có khoản dự chi này. Bây giờ, trong lúc chờ có tiền để mua máy móc, thiết bị, chỉ có mỗi cách kiểm tra là cử người đi vào tận nơi. Đáng buồn là qua lời giãi bày của người có trách nhiệm ở địa phương thì cả cách làm này cũng khó thực hiện: Dường như có sự e dè, thiếu tự tin của người đứng trước một không gian mình đang có quyền làm chủ.
Thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội là chính sách rất đúng đối với một nước nghèo. Nhưng nó chỉ đúng một khi cái mà nó thúc đẩy, tức là sự phát triển kinh tế và xã hội, mang tính bền vững. Về phần mình, sự bền vững không thể chỉ đơn giản được biểu đạt trong những con số phản ánh tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ tăng thu ngân sách, tỉ lệ lao động có việc làm, tăng thu nhập... Nó phải được thể hiện, trước hết và trên hết, thành những giá trị vật chất, tinh thần mà xã hội có thể sở hữu dài lâu, nghĩa là khai thác được để phục vụ cuộc sống hiện tại và tái tạo được để dành lại cho cuộc sống tương lai.
Nhìn những bức ảnh tôm, cá chết la liệt trên biển mà thấy lo cho tương lai quá!