Mới đây trên một số trang mạng xã hội khá rầm rộ về vụ việc của một khách hàng ở Lâm Đồng bị hư hỏng xe ô tô 7 lần trong 9 tháng, khiến một công ty bảo hiểm ra thông báo đơn phương hủy hợp đồng.
Từ vụ việc trên, nhiều người cũng đặt vấn đề trong trường hợp nào công ty bảo hiểm được đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới là bắt buộc. (Ảnh minh hoạ) |
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp hủy bỏ hợp đồng, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể được một trong các bên thực hiện khi: Một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng; Do các bên thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng; Do pháp luật quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng.
“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể do sự vi phạm hợp đồng của một bên hoặc là ý chí chủ quan của bên thực hiện quyền đơn phương, không muốn tiếp tục tham gia hợp đồng. Đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Khoản 1 của Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại”- luật sư Tuấn cho hay.
Và theo căn cứ tại Khoản 5 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015, những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khác so với các trường hợp tại Khoản 1 này thì được coi là vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và luật khác có liên quan ( Luật KDBH) do không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Lúc đó được hiểu bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải đang thực hiện quyền đơn phương của mình mà là bên vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Cũng theo luật sư Tuấn, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 có quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm tại Điều 26 như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;
Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này.