Từ vụ Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật, nghệ sĩ đã biết cách bảo vệ mình

(PLO)- Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật thu hút sự quan tâm của dư luận và cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi nghệ sĩ bị bôi nhọ danh dự uy tín. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Câu chuyện nghệ sĩ bị xuyên tạc thông tin trên mạng xã hội (MXH) gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình không phải là câu chuyện mới.

Tuy nhiên, thay vì đôi co, thanh minh trên trang cá nhân, nhiều nghệ sĩ đã tìm đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý để bảo vệ danh dự cá nhân.

Nghệ sĩ bảo vệ danh dự một cách văn minh

Những ngày vừa qua, câu chuyện Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của mình nhận được sự quan tâm của dư luận

Cụ thể, Midu (tên đầy đủ Đặng Thị Mỹ Dung) đã gửi khiếu nại đến Sở TT&TT TP.HCM đề nghị xử lý Fanpage This is Mặt Nạ và kênh Tiktok Chưa biết_01.

Trước đó, kênh TikTok Chưa biết_01 đăng tải clip với tựa đề "Sự thật về Midu" thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem, video "Quá khứ của của thần tiên tỷ tỷ" hút 3,5 triệu lượt xem.

Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật
Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự cá nhân.

Theo đại diện Sở TT&TT TP.HCM, ngày 20-5, sở đã có đã có thư mời chủ 2 kênh này lên làm việc. Buổi làm việc sẽ diễn ra vào ngày mai (24-5).

Việc Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật về mình không phải là trường hợp đầu tiên, trước đó nhiều nghệ sĩ cũng đã nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp vì bị tung tin đồn thất thiệt, bôi nhọ danh dự trên các diễn đàn mạng xã hội.

Cuối tháng 4 vừa qua, đại diện của Sở TT&TT TP.HCM cho biết có việc Ngân 98 cùng ca sĩ Lương Bằng Quang đến làm việc với Sở TT&TT TP.HCM và sở hướng dẫn về việc hoàn thiện các thủ tục để khởi kiện hoa hậu Nam Em cho đúng theo quy định của pháp luật.

Theo Ngân 98, việc cô kiện những người tung tin bịa đặt, xúc phạm mình trên mạng có thể không có kết quả nhưng vẫn làm đến cùng.

Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật
Trước vụ Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật, NSND Lệ Thuỷ cũng rơi vào trường hợp tương tự

Trước đó, NSND Lệ Thủy cũng đã nhờ Sở TT&TT TP.HCM can thiệp khi bà bị nhiều kênh YouTube đăng video với nội dung như: "Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tặng Thiền am bên bờ vũ trụ", "Lệ Thủy hát tặng thầy ông nội"... thu hút nhiều lượt xem, bình luận.

Nữ nghệ sĩ cho biết đây là thông tin sai sự thật, đồng thời khẳng định người hát trong các video clip là bắt chước theo giọng, âm sắc của bà.

Các video được lan truyền khiến cuộc sống của bà bị ảnh hưởng vì một số người cho rằng bà có liên quan đến tịnh thất Bồng Lai.

Sau khi tiếp nhận đơn của NSND Lệ Thủy, Sở TT&TT TP.HCM đã tiến hành rà soát và có hướng xử lý theo quy định.

Tác hại của vi phạm trên mạng xã hội là rất lớn

Vụ việc Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật một lần nữa câu chuyện nghệ sĩ bị vu khống, bôi nhọ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín nóng trở lại.

Từ đây, bài toán xử lý câu chuyện để bảo vệ danh dự nghệ sĩ cũng được bàn tán bởi nếu không khéo người nghệ sĩ đó dễ bị phản ứng ngược.

Nói về việc Midu đề nghị xử lý 2 kênh đưa tin sai sự thật với PLO, nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cho rằng đây là hành động đúng đắn của Midu để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời vẫn đảm bảo được quy tắc ứng xử của người nghệ sĩ.

"Thay vì sử dụng mạng xã hội (như một số nghệ sĩ đã có tiền lệ) để lên án hoặc định hướng dư luận có nguy cơ tạo ra rủi ro khủng hoảng cho bản thân, nghệ sĩ này đã tìm đến cơ quan chức năng để xử lý sự vụ theo quy định pháp luật" – nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang nhận định.

Vì vậy nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang nhận định việc tìm đến cơ quan chức năng để giải quyết sự vụ theo quy định của pháp luật, không chỉ là thượng tôn pháp luật, mà còn là hành lang bảo vệ bản thân trước bất cứ sự suy diễn ác ý nào.

"Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, không phải nghệ sĩ nào cũng được trang bị các kỹ năng tốt để giải quyết chuyện đời tư.

Việc bị anti-fans hoặc các 'thế lực truyền thông đen' suy diễn, biến tấu khiến sự việc đi xa, vượt khỏi tầm kiểm soát của nghệ sĩ luôn là nguy cơ bất cứ lúc nào.

Nhiều sự kiện xảy ra thời gian vừa qua đã chứng minh cho nhận định trên.

Ban đầu các nghệ sĩ chỉ nghĩ đơn giản là đưa câu chuyện lên mạng xã hội để phân bua phải trái, song kết cục ngược lại, mâu thuẫn không những không được giải quyết, mà người nghệ sĩ tự biến mình trở thành đối tượng bị công kích từ phía các thế lực "truyền thông đen". Chuyện của Lưu Thiên Hương là một ví dụ. Chuyện của Nam Em là một ví dụ khác" – nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho hay.

ngo-huong-giang-2840-7688.jpg
Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang

Nói thêm về thực trạng các fanpage, Tiktok vẫn luôn vi phạm bôi nhọ, gây ảnh hưởng đến đời tư người dù đã có khung hình phạt, nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang chia sẻ bản thân đã rất nhiều lần trao đổi về "tính không an toàn" của Tiktok cũng như đề nghị nên cấm Tiktok ở Việt Nam.

"Tiktok là mạng xã hội mà sự kiểm soát nó ở Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo. Cơ chế giám sát thì luôn đi sau các “nâng cấp” về thuật toán phát triển của ứng dụng, dẫn đến tình trạng bạo lực mạng, tự do phát ngôn không kiểm soát của người dùng trở thành vấn đề nhức nhối đối với cơ quan quản lý thông tin.

Mặc dù đã có cơ chế tự kiểm soát theo nguyên tắc cộng đồng, song Tiktok vẫn để tình trạng thông tin xấu độc, thông tin rác tự do tồn tại một cách công khai. Từ cơ chế tự do không kiểm soát trong việc lập tài khoản dẫn đến bất cập không thể quản lý về thông tin phát tán.

Vì vậy mới có các hiện tượng Idol Tiktok mọc lên “như nấm sau mưa” xuất phát từ các chiêu trò, mà không phải là tài năng thực có ích cho xã hội. Nhức nhối hơn, khi các “Idol này” sở hữu lượng fans khổng lồ, định hướng người dùng theo cách tiêu cực, tự phát.

Chính điều trên đã dẫn đến việc đời tư của bất cứ ai cũng đều có nguy cơ bị xâm hại, bất chấp pháp luật hoặc cảnh báo từ phía cơ quan chức năng" – nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cho hay.

Qua việc Midu đề nghị xử lý 2 kênh có những thông tin sai sự thật, nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cũng cho rằng thông tin đời tư cá nhân của bất cứ ai cũng đều được tôn trọng, bảo vệ.

"Pháp luật hình sự ở ta đã có chế tài rất rõ ràng về hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật đối với bất cứ hành vi xâm phạm đời tư cá nhân nào trên mạng xã hội.

Nhiều "tấm gương về hệ luỵ mạng xã hội" dẫn đến các cái chết đau lòng vẫn còn đó! Cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm trên mạng xã hội, mạnh tay hơn, quyết liệt hơn so với các tội phạm trong xã hội thực.

Bởi, tội phạm trong xã hội thực nếu có xảy ra thì cũng chỉ là hiện tượng có tính thời điểm và có thể giải quyết ngay, song, đối với tội phạm mạng xã hội dù có xử lý xong thì hệ luỵ về mặt tâm lý mà nó để lại vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ" – nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm