Từ vụ sáu cầu thủ Đồng Nai bị bắt: Sân bóng đến sàn nhà cái

Trong số các cầu thủ bị bắt, cầu thủ 26 tuổi Nguyễn Thành Long Giang là người có nhiều thành tích nhất. Hồi còn là cầu thủ Tiền Giang, nhiều cầu thủ ao ước có một chuyến xuất ngoại thì Long Giang đã từng cầm hộ chiếu chi chít mộc xanh, mộc đỏ với lệnh xuất, nhập cảnh ra vào nhiều nước.

Niềm tự hào của bóng đá Gò Công

Hồi đá giải U-15 cho Tiền Giang năm 2002, Long Giang với mái tóc vàng hoe vì cháy nắng đã được những nhà làm bóng đá khoanh tròn. Dân Gò Công hay tự hào nói đất tổ ủng hộ những trung vệ trưởng thành từ Gò Công khi sau đời Tam Lang giờ lại có một Long Giang chơi bóng chững chạc ở cùng vị trí đấy. Ngày Long Giang cùng HLV Mai Đức Chung - Lê Thụy Hải từ Malaysia về với chiếc cúp vô địch Merdeka 2008 trên tay, nhiều nhà báo đã đề nghị ông Tam Lang đứng một bên cúp và Long Giang đứng một bên để viết bài về hai trung vệ đất Gò Công của hai thời kỳ và cùng có chiến công là cúp vàng Merdeka (1966 và 2008).

20 tuổi, Long Giang đã được tuyển vào đội U-23 Việt Nam và hai năm liền 2006, 2007 được bầu là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam.

Ì ạch mãi ở đội Tiền Giang không lên nổi chuyên nghiệp, Giang trở thành tâm điểm săn lùng của các đội bóng lớn. Ít ai ngờ rằng thời điểm đấy chính là ngã rẽ của Long Giang khi bước vào đời sống cầu thủ chuyên nghiệp. Nhiều lần cơ quan chủ quản không cho đi, Giang làm nũng chây lười và có thái độ bất hợp tác, sẵn sàng chịu kỷ luật xuống đội trẻ và bị giảm lương.

Cuộc đời bóng đá của Long Giang thay đổi khi bước ra từ đội bóng nghèo Tiền Giang lên khoác áo chuyên nghiệp.

Thương thằng bé có tài nhưng cứ bị “nhốt” mãi ở Tiền Giang, nhiều thầy ở U-23 và đội tuyển đã về Tiền Giang năn nỉ để “giải thoát” cho Giang được bước sang môi trường chuyên nghiệp, được phát triển và hưởng mức lương xứng đáng.

Đổi đời và đổi phận

Rời Tiền Giang với mức lót tay 5 tỉ đồng về Navibank SG của thầy Mai Đức Chung, Giang cười khẩy chỉ trích lại những thành viên ở đội bóng cũ. Mái tóc bum-bê cháy nắng của thằng bé đất Gò Công ngày nào cũng đổi màu vàng hoe do nhuộm và được cắt tỉa kỹ càng như dân teen Sài thành.

Navibank SG giải tán, Giang về XMXT Sài Gòn và thẩm thấu không ít những tính xấu ở môi trường đội bóng từng bị ví là tụ tập dàn sao thích thắng thì thắng mà thích thua thì thua. Cũng tại đội này có nhiều trận rất “khét” mà thằng bé chân ướt chân ráo ít tuổi đời như Giang không thẩm thấu thì khó tồn tại.

Sau khi XMXT Sài Gòn giải tán, Long Giang về với Đồng Nai và trở thành trụ cột của đội bóng này dù tuổi đời mới chỉ qua 25. Chế độ đãi ngộ của đội bóng mới này đối với Giang cũng có nhiều đặc biệt khi lương 25 triệu đồng/tháng với lót tay 400 triệu đồng/mùa cùng khung thưởng có trận lên đến nửa tỉ đồng.

Giang sinh trưởng trong một gia đình khá giả và đến với bóng đá chỉ là đam mê. Hồi ở Tiền Giang, nhiều cầu thủ rất khó khăn vất vả chờ lương để sống thì Giang lại là cậu ấm sống trong sự nuông chiều và sung túc. Mọi sự thay đổi với Giang từ khi bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp có rất nhiều tiền nhưng cũng đầy cạm bẫy.

Từ hồi ở Navibank SG, Giang đã có những mối quan hệ rộng với các fan bóng đá nhưng lạ ở chỗ những fan này từ cách ăn mặc đến sinh hoạt đều như dân anh chị. Ở Đồng Nai cũng thế, Giang rất thân với nhóm cầu thủ bị tạm giữ với mình, đặc biệt là Đức Thiện và Hữu Phát đồng thời cũng hay la cà với những “anh chị” ở các quán xá sang trọng.

Khi nghe tin về học trò cũ của mình đang bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, HLV Nguyễn Duy Hùng từng là thầy của Giang khi còn ở năng khiếu ngỡ ngàng thốt lên: “Hồi ở năng khiếu nó là một thằng bé lì lợm nhưng có cá tính và ngoan hiền. Giang siêng tập đến độ cả ngày ở ngoài sân đến tóc cháy vàng…”.

Cuộc đời cầu thủ của Giang có lẽ thay đổi từ khi Giang không còn mái tóc cháy nắng đấy nữa…

NHÓM PV THỂ THAO

Bất ngờ khi con chủ mưu cá độ

Chiều 22-7, tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Văn Lịch (74 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), cha của Nguyễn Phúc Thuận bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp vào đêm 20-7, sốc nặng. Thuận là mắt xích quan trọng nhất vụ dàn xếp trận Đồng Nai thua Than Quảng Ninh 3-5 tại sân Cẩm Phả chiều 20-7

Ông Lịch có sáu người con, Thuận là con trai thứ ba. Từ lúc học cấp 1, Thuận rất mê đá bóng, từng được TP Biên Hòa tài trợ học bổng để tham gia lớp năng khiếu bóng đá của thành phố. Cũng vì ham mê đá bóng mà việc học hành Thuận dang dở. Tốt nghiệp cấp 3, Thuận xin làm nhân viên cho một công ty bảo vệ. Năm 2008, Thuận cưới vợ và đã có một con trai năm tuổi. Kinh tế của hai vợ chồng Thuận chẳng dư dả, thỉnh thoảng Thuận cho cha mẹ chút tiền để lo công việc gia đình. Vì vậy khi nghe tin Thuận bị bắt vì nghi cầm đầu đường dây tổ chức cá độ bóng đá lên tới hàng trăm triệu đồng cả gia đình bất ngờ. “Khoảng 20 giờ ngày 20-7, ăn cơm xong tôi đang ngồi uống nước, xem tivi thì bất ngờ có năm công an dẫn Thuận về nhà khám xét. Đến 23 giờ thì công an đưa Thuận đi luôn” - ông Lịch kể.

“Gia đình chỉ biết Thuận là một người ham mê đá bóng mà thôi. Thỉnh thoảng thấy Thuận đi đá bóng thuê giữa phường này với phường khác, tôi có thắc mắc là có đá bóng ăn tiền không thì Thuận cho biết thắng thua chỉ ăn nhậu chứ không liên quan tiền bạc…” - ông Lịch kể.

Ông Lịch cho biết năm 2012, gia đình ông nhận thông báo của cơ quan chức năng gửi là Thuận tham gia đá gà nhưng do tội không nghiêm trọng nên chỉ bị quản lý ở địa phương.

Theo tìm hiểu, Thuận từng được gọi vào đội tuyển trẻ của tỉnh nhưng không phát triển được. Khi quá tuổi, Thuận đi đá “phủi” kiếm sống. Hiện Thuận đang là thành viên của đội bóng phong trào Q.H tham gia giải TP Biên Hòa mở rộng. Khoảng 19 giờ 30 ngày 20-7, khi Thuận vừa đá xong hiệp 1 thì bị công an ập vào bắt ngay tại sân bóng. Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin cho biết Thuận là người tham gia cá độ và làm độ có tiếng ở Biên Hòa.

TIẾN DŨNG

Bắt khẩn cấp sáu cầu thủ đội Đồng Nai

Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với sáu cầu thủ: Phạm Hữu Phát (tiền vệ-đội trưởng), Nguyễn Đức Thiện (tiền đạo), Phan Lưu Thế Sơn (trung vệ), Nguyễn Thành Long Giang (trung vệ), Hà Niệm Tiến (hậu vệ) và Đinh Kiên Trung (tiền vệ).

Từ vụ sáu cầu thủ Đồng Nai bị bắt: Sân bóng đến sàn nhà cái ảnh 2

Long Giang bên chiếc cúp Merdeka 2008 cùng cố danh thủ Tam Lang. Ảnh: TƯ LIỆU

Các cầu thủ này bị bắt để làm rõ hành vi dàn xếp tỉ số trong trận đấu giữa Đồng Nai và than Quảng Ninh (20-7). Trong đó đội trưởng Phạm Hữu Phát đã câu kết với các đối tượng cá cược bên ngoài để dàn xếp với hai bàn thua cách biệt, các cầu thủ này sẽ nhận được 400 triệu đồng. Phát đã nhận trước 325 triệu đồng nhưng chưa kịp chia cho các cầu thủ còn lại thì đã bị câu lưu.

THÀNH VĂN

Tiếc cho Hữu Phát và Đức Thiện

Từ vụ sáu cầu thủ Đồng Nai bị bắt: Sân bóng đến sàn nhà cái ảnh 3
 
Ngày khai mạc giải, trên sân Đồng Nai, đội trưởng Phạm Hữu Phát dõng dạc thay mặt giới cầu thủ lên đọc lời tuyên thệ thi đấu trung thực và góp phần làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Phát được xem là công thần của bóng đá Đồng Nai khi giúp đội vô địch giải U-19 quốc gia năm 2007 và ba năm sau đoạt chức vô địch U-21 quốc gia. Dạo gần đây Phát hay giao du ở các sân đá phủi và chơi với những đàn anh có "số má" ở Đồng Nai. 
Từ vụ sáu cầu thủ Đồng Nai bị bắt: Sân bóng đến sàn nhà cái ảnh 4
 
Nguyễn Đức Thiện là tiền đạo giỏi trưởng thành ở lò Thành Long. Thiện từng tham gia đội U-23 Việt Nam và thi đấu rất thành công trong màu áo B. Bình Dương. Đỉnh cao của Thiện là cùng đội U-22 Việt Nam đoạt cúp Merdeka năm 2008. Thiện từng treo giày nghỉ thi đấu một thời gian và mới trở lại từ vòng 5 V-League trong màu áo Đồng Nai rồi “dính” luôn với êkíp làm độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm