Tuồn heo chết, heo bơm nước vào chợ đầu mối

“Gần tết, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp đưa thịt heo bơm nước, thịt heo thối vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và Hóc Môn (TP.HCM).

Đa phần thịt heo nói trên có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai và Long An” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.

Heo bơm nước, heo chết vào chợ

Đơn cử đêm 23-1, xe tải 60S-1078 chở thịt heo về sạp H1-126 (trong chợ Bình Điền) do ông Nguyễn Ngọc Kinh làm chủ. Cơ quan thú y phát hiện trong đó có 550 kg thịt heo bơm nước từ Đồng Nai chuyển đến và đã phạt chủ hàng 2,5 triệu đồng...

Trước đó một ngày, trạm kiểm tra vệ sinh thú y chợ đầu mối Bình Điền cũng phát hiện xe tải 51C-340.74 chở 80 kg thịt heo có nguồn gốc từ Long An bị rỉ dịch do bơm nước về sạp H1-107 của ông Trần Văn Tư. Ngoài bị phạt 2,5 triệu đồng, chủ hàng còn bị buộc luộc chín số thịt heo nói trên và chuyển mục đích sử dụng...

Trạm kiểm tra vệ sinh thú y chợ đầu mối Hóc Môn cũng liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp lén lút tuồn thịt heo bệnh vào chợ.

Đơn cử như ngày 30-12-2015, trạm kiểm tra xe tải 60B-1473 chở 26 con heo (52 mảnh) có nguồn gốc từ Long An về sạp T27-37 của bà Lại Thị Xuyến. Số heo nói trên có giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y tỉnh Long An cấp. Tuy nhiên, trong số này có hai mảnh heo (68 kg) sẫm màu, khi ấn tay vào độ đàn hồi không còn, độ nhớt cao, hạch sưng to, có mùi hôi. Trạm nhận định heo bị chết trước khi giết mổ. Ngoài bị phạt 3,3 triệu đồng, chủ hàng còn bị buộc tiêu hủy 68 kg thịt nói trên.

Các nhân viên Trạm kiểm dịch động vật An Lạc kiểm tra chất lượng heo từ xe tải vào tối 23 đến sáng 24-1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lợi dụng sơ hở quăng heo chết lên xe

“Mỗi đêm chợ đầu mối Hóc Môn tiếp nhận khoảng 4.200-4.700 con heo. Ban quản lý chợ phối hợp trạm kiểm tra vệ sinh thú y chợ đầu mối kiểm soát chặt thịt đưa vào chợ. Do vậy lực lượng đã kịp thời phát hiện nhiều trường hợp lén lút đưa thịt không kiểm soát giết mổ vào chợ. Riêng tiểu thương, lần đầu phát hiện kinh doanh thịt không kiểm dịch sẽ bị phê bình, lần hai cảnh cáo, lần ba tạm đình chỉ kinh doanh (3-7 ngày) và thông tin sai phạm trên hệ thống phát thanh của chợ” - ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), cho biết.

Còn theo ông Võ Văn Hòa, Trạm trưởng Trạm kiểm tra vệ sinh thú y chợ đầu mối Hóc Môn, do thương lái mua cùng lúc nhiều heo để giết mổ nên không tránh khỏi trong đó có con bị chết. “Sau khi làm giấy chứng nhận kiểm dịch, lợi dụng nhân viên thú y đang giải quyết công việc, thương lái lén lút quăng heo chết lên xe rồi đưa về chợ đầu mối ở TP.HCM. Tại chợ đầu mối, nếu lực lượng thú y kiểm soát không kỹ thì heo chết sẽ lọt lưới vào chợ” - ông Hòa nói.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết từ nay đến tết Nguyên đán 2016, chi cục tăng cường kiểm tra động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa vào TP.HCM. Chi cục cũng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật để kịp thời phát hiện các sai phạm. Ngoài ra, chi cục cũng thường xuyên giám sát các cơ sở giết mổ, đồng thời lấy mẫu nước tiểu heo xét nghiệm để phát hiện chất cấm.

Triệt phá nhiều ổ sản xuất hàng giả

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế (PC46) - Công an TP.HCM vừa cùng Công an quận 2 bắt Phạm Thanh Phong (38 tuổi, ngụ quận 2) cùng năm chai rượu ngoại giả. Phong khai nhận mua vỏ chai rượu thật, sau đó mua rượu ngoại trị giá vài trăm ngàn đồng ở siêu thị về rót vào vỏ chai thật. Mỗi chai rượu giả Phong bán với giá 7-8 triệu đồng, trong khi giá trị thật của rượu này là 13 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7 PC46, cho biết khả năng rượu của Phong được tiêu thụ phần lớn ở các nhà hàng, quán bar, vũ trường.

Ngày 26-1, PC46 đã kiểm tra Công ty TNHH TM Thế Giới Trẻ ở 31 Gò Dầu (phường Tân Quý, quận Tân Phú) do ông Nguyễn Mười làm giám đốc. Lực lượng bắt quả tang có 600 chai rượu các loại không có hóa đơn, chứng từ, trị giá trên 600 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 7-1, PC46 đã chặt đứt đường dây của “bà trùm” Trần Thị Thanh Ly chuyên sản xuất thực phẩm chức năng giả được làm từ bột mì. Thời điểm này, PC46 Công an TP.HCM đã phối hợp cùng C46 Bộ Công an bắt quả tang Nguyễn Hồng Tân và Nguyễn Văn Sang, cùng hơn 1.000 chai thực phẩm chức năng giả, có nhãn mác đầy đủ của nhiều thương hiệu đang chuẩn bị phân phối ra thị trường. Cơ quan điều tra xác định đường dây sản xuất và tiêu thụ này do Trần Thị Thanh Ly điều hành.

Điều đáng nói vào tháng 1-2015, C46 Bộ Công an phối hợp cùng Công an quận 7 đã bắt quả tang các đối tượng hô biến 12 tấn viên con nhộng làm bằng bột mì thành sữa ong chúa, nhau thai cừu… Đường dây này được xác định cũng do Trần Thị Thanh Ly đứng sau tổ chức. Do có con nhỏ nên Ly được tại ngoại để điều tra nhưng tiếp tục móc nối với nhiều đối tượng khác bỏ tiền ra nhập viên con nhộng từ Trung Quốc về rồi đóng chai, dán nhãn thương hiệu cao cấp.

Ngoài tập trung triệt phá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gian, giả, ngày 23-12-2015, lực lượng trinh sát PC46 đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thanh Tú, Lê Văn Cương, Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Sinh tham gia sản xuất, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật giả. Các đối tượng này lén lút hoạt động tại cơ sở ở ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Thuốc bảo vệ thực vật mà cơ sở này sản xuất được làm từ nước màu, hóa chất và có hẳn máy in bao bì để giả các nhãn hiệu uy tín. Hàng được vận chuyển về các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Rất nhiều nông dân sử dụng không diệt được sâu rầy mà còn khiến cây bị vàng lá, chết héo.

H.TUYẾT

Kiểm soát chặt trung tâm thương mại để chống hàng gian

Ngày 29-1, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đồng loạt ra quân kiểm tra hàng giả tại chợ Bến Thành, Saigon Square (Hai Bà Trưng), Trung tâm thương mại Lucky Plaza (38 Nguyễn Huệ, quận 1)… Khi kiểm tra 30 địa điểm kinh doanh, các đội phát hiện hơn 1.900 chiếc đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega… Phần lớn đây là hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc. Toàn bộ hàng hóa được tạm giữ để tiếp tục xử lý.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết hằng năm vào dịp lễ, tết, hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa giả mạo thương hiệu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, sản xuất hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… gia tăng. Chi cục đã triển khai đến các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm.

Ngoài ra, trước, trong và sau tết, chi cục thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ cũng như ban quản lý các trung tâm thương mại kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả. Thời gian qua, các đơn vị đã ký cam kết kiên quyết phát hiện, ngăn chặn mang hàng giả, hàng nhái vào siêu thị, chợ... để bán cho người dân.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm