Úc tham gia lực lượng Mỹ tại vịnh Ba Tư

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hôm 21-7 rằng Úc sẽ tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch bảo vệ các tàu buôn đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Iran bắt giữ một tàu Anh.

Khu vực quan trọng nhất được tuần tra là eo biển Hormuz, eo biển nằm giữa Oman và Iran. Khoảng 1/5 lượng dầu thô trên thế giới được vận chuyển qua khu vực này.

Giao dịch hàng hóa trên toàn cầu đã trở nên thận trọng hơn trong những tháng gần đây bởi sự kiện Iran bắt tàu chở dầu của Anh và một loạt vụ tấn công vào các tàu buôn quốc tế khác mà Mỹ và Anh đã đổ lỗi cho Iran. Tuy vậy, Iran đã phủ nhận sự liên quan đến các cuộc tấn công này.

Ngoài Úc, Anh là đồng minh đầu tiên của Mỹ tuyên bố tham gia vào chiến dịch bảo vệ tàu này.

“Hành vi gây mất ổn định này là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Úc trong khu vực” - ông Morrison nói trong một cuộc họp báo ở Canberra. “Sự đóng góp của chúng tôi sẽ bị giới hạn về quy mô và thời gian”.

Ông Morrison cho biết Úc sẽ gửi máy bay do thám P-8A Poseidon tới Trung Đông trong một tháng trước khi năm 2019 kết thúc. Bên cạnh đó, một tàu khu trục của Úc sẽ được triển khai trong sáu tháng kể từ tháng 1.

Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: ABC

Úc là một quốc gia đồng minh trung thành của Mỹ. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã thúc giục các đồng minh của mình đóng góp nhiều hơn cho an ninh toàn cầu.

Iran đã lên án những nỗ lực thiết lập liên minh của Mỹ và khẳng định các nước trong khu vực có thể bảo vệ an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Iran cũng kêu gọi các quốc gia làm việc với nhau để ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 21-8 đã nói với Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI): “Sự hiện diện của quân đội nước ngoài không thể ngăn chặn sự bất an trong khu vực này. Bạn không thể có một vùng đất an ninh trong khi Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran”.

Quốc gia vùng vịnh Bahrain, nơi đặt căn cứ Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, tuần này đã trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh này qua một bài đăng trên Twitter của đại sứ Bahrain tại Mỹ. Chính phủ Bahrain từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết khi được Reuters hỏi về việc này.

Các nguồn tin biết về kế hoạch của Mỹ đã nói với Reuters rằng sự tham gia của nước ngoài có thể bao gồm mọi thứ từ việc gửi tàu và nhân viên đến cung cấp căn cứ, hỗ trợ hậu cần, sĩ quan liên lạc hoặc tài chính.

Bahrain đã đóng vai trò là trụ sở của Lực lượng Hàng hải kết hợp do Mỹ lãnh đạo. Lực lượng này là một liên minh gồm 33 quốc gia kết hợp với nhau thực hiện các hoạt động an ninh và chống cướp biển trong khu vực.

Truyền thông Israel trong tháng này dẫn lời Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz nói trong một cuộc họp kín rằng Israel có tham gia các cuộc thảo luận và chia sẻ thông tin tình báo trong liên minh mới. Tuy nhiên, các quan chức Israel từ chối xác nhận hoặc phủ nhận điều này.

Ông Katz nói với đài truyền hình Ynet của Israel: “Nói chung, Israel có liên quan đến những gì đang xảy ra trong khu vực trong mọi vấn đề liên quan đến cuộc đối đầu với Iran. Mỹ, quốc gia đang áp chính sách trừng phạt, chắc chắn nhìn thấy Israel là đối tác tiềm năng”.

Hầu hết các nước châu Âu, vốn không đồng ý với quyết định của Mỹ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đã miễn cưỡng trong việc tham gia vào sứ mệnh do Mỹ lãnh đạo vì sợ gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm