Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine cuối tuần rồi là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên ở nước này kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đầu năm 2014 và xung đột nổ ra giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Cả diễn viên hài Volodymyr Zelenskiy – người về nhất - và đương kim Tổng thống Petro Poroshenko - người về nhì trong vòng bỏ phiếu đầu tiên - đều theo chủ trương ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Thời gian qua, Ukraine vẫn theo đuổi tư cách thành viên của hai tổ chức phương Tây lớn là EU và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chưa đầy 24 giờ sau khi vòng bỏ phiếu thứ nhất của cuộc bầu cử tổng thống Ukraine kết thúc vào ngày 1-4, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin lên tiếng rằng cuộc chiến giành lại Crimea từ Nga vẫn chưa kết thúc.
“Chúng tôi không hứng thú với việc phong tỏa tình hình ở Donbass vì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Chúng tôi cần lấy lại Donbass, nhưng chúng tôi cần một Donbass của người Ukraine quay trở lại cho Ukraine”, Ngoại trưởng Klimkin nói với kênh tài chính CNBC ngày 1-4.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin lên tiếng rằng cuộc chiến giành lại Crimea từ Nga chưa kết thúc. Ảnh: AFP
“Tôi không nói là cùng hình thức hay cùng kiểu mẫu cho cả Donbass và Crimea, nhưng chúng tôi cần lấy lại cả hai lãnh thổ bị chiếm đóng”, ông Klimkin nói.
Tình hình Donbass hiện thế nào? Bên cạnh việc mất Crimea, Ukraine còn trải qua năm năm xung đột với thành phần đòi ly khai thân Nga ở Donbass. Số liệu Liên Hiệp Quốc cho thấy giao tranh đã làm khoảng 13.000 người thiệt mạng.
Crimea sau năm năm thuộc về Nga ra sao? Tháng trước Tổng thống Vladimir Putin đến Crimea để kỷ niệm năm năm sáp nhập bán đảo này từ Ukraine. Nga nói mình đã chi rất nhiều cho việc phát triển và sáp nhập Crimea kể từ năm 2014, trong đó có việc xây một cây cầu dài nối bán đảo này với miền nam Nga.
Tuy nhiên các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn được thiết kế để trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea đã gây khó khăn cho Crimea, đẩy giá cả lên cao và làm trì trệ đà phát triển.
Lễ kỷ niệm năm năm bán đảo này được sáp nhập vào Nga, tại TP Simferopol ngày 15-3. Ảnh: AFP
Các vòng trừng phạt kinh tế lên Nga có thể phần nào cho thấy phương Tây vẫn ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên theo một số nhà quan sát, lý do thực sự của các lệnh trừng phạt này là nhằm ngăn chặn Nga can thiệp vào các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây.
Khi được hỏi liệu ông có thừa nhận Ukraine đã mất vĩnh viễn Crimea vào tay Nga, ông Klimlin trả lời: “Không, không chút nào”.
Ông Klimkin cũng tự tin nói rằng quân đội Ukraine giờ có thể chống lại sức mạnh quân đội Nga: “Sức mạnh quân đội Ukraine hiện nay hoàn toàn khác, hiện giờ chúng tôi đã có quân đội thật sự”.