Uỷ ban Tư pháp tiếp tục có văn bản đôn đốc giải quyết vụ Thuận Phong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Sáng 14-2, tại phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 của Quốc hội.

Liên quan đến kết quả giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài, báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết 9-2 vừa qua, Ủy ban Tư pháp tiếp tục có văn bản số 365/UBTP15 đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo giải quyết vụ việc Công ty Thuận Phong theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết với Ủy ban Tư pháp.

Đây là một trong số sáu vụ việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp trước.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết vụ Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón giả là vụ việc được ĐBQH, dư luận quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong do công tác giám định kéo dài, không trả lời rõ ràng, đúng vào những nội dung yêu cầu về giám định.

Công an tỉnh Đồng Nai đã có công văn đề nghị tổ giám định tư pháp thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ giải thích và kết luận rõ về việc có giả nhãn mác hàng hoá hay không?

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: quochoi.vn

Ngày 26-11-2021, Bộ Khoa học, Công nghệ đã có văn bản thông báo về việc Bộ đã chỉ đạo tổ giám định, tích cực làm việc với tổ giám định và đã có biên bản họp tổ giám định vào ngày 23-11-2021 giải thích nội dung theo yêu cầu.

Ông Trần Quốc Tỏ cũng thông tin thêm vụ việc hiện đang được các cơ quan tổ tụng tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết ngay sau khi có ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 8-2 vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tập trung vào ba nội dung:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của VKSNDTC, TANDTC khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ về một số vụ án, đặc biệt là các vụ án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, sớm kết luận điều tra, đề nghị truy tố, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm liên quan đến vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Thứ hai, chủ động nắm tình hình, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm sử dụng mạng xã hội để rao bán các loại bằng giả, giấy tờ giả.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố có liên quan đến hợp đồng, nhất là các hợp đồng có liên quan đến giao dịch bất động sản; bảo đảm khách quan, đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Ông Tỏ thông tin thêm, sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Bộ Công an nhận được 39 kiến nghị của cử tri do các cơ quan gửi đến, tập trung vào 7 nhóm vấn đề. Trong đó có kiến nghị về tình trạng lạm dụng mạng xã hội để công kích và chỉ trích người khác, sử dụng những lời nói khiếm nhã, bôi nhọ và kết tội nhau; những phát ngôn vu khống, xúc phạm danh dự, gây nhiễu loạn thông tin và kích động trên không gian mạng.

Về các vụ việc phức tạp có liên quan đến an ninh trật tự, Bộ Công an đã có báo cáo tổng thể về việc này với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, có 501 vụ khiếu nại phức tạp về an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc, 227 vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, 272 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết và rà soát, 2 vụ việc chưa được giải quyết. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, thu hồi đất, xảy ra tập trung chủ yếu ở các khu vực có tốc độ đô thị hoá cao.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ngày 28-2, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan hữu quan để nghe báo cáo về quá trình giải quyết vụ việc “buôn lậu” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng, làm cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm