Năm 2017 dự kiến có hơn 50 phim ra rạp. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần có một phim Việt ra rạp. Thế nhưng đằng sau những con số đó, đầu năm đến nay bao nhiêu phim Việt có thể gọi là xem được, có doanh thu tốt? Có lẽ chỉ trên đầu một bàn tay. Và giữa những phim Việt ra rạp đó, có bao nhiêu phim là kịch bản thuần Việt hay tương lai điện ảnh Việt là kịch bản remake (làm lại) từ kịch bản phim Hàn Quốc?
Văn học Việt đã từng vào nhiều phim nhà nước
Khoảng cuối những năm 1990, điện ảnh Việt có rất nhiều phim chuyển thể từ văn học: Bến không chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa len trâu (trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam), Đời cát (từ truyện Ba người trên sân ga của Hữu Phương) cùng hàng loạt phim từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê… Và một trong những đạo diễn mát tay với phim chuyển thể từ văn học là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Cho đến giờ anh chỉ thực hiện ba bộ phim điện ảnh và truyền hình đều từ ba tác phẩm văn học: Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), phim truyền hình Đất phương Nam (từ truyện Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi) và Trăng nơi đáy giếng (từ truyện cùng tên của Trần Thùy Mai).
Thế nhưng dường như tất cả phim Việt chuyển thể từ văn học bên trên đều dừng ở guồng quay của các hãng phim nhà nước. Đó là những bộ phim hay nhưng lại thiếu vắng hơi thở thị trường, xa lạ với khán giả.
Năm 2010, khi bộ phim Cánh đồng bất tận với kịch bản chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra rạp, nó đã tạo nên một làn sóng tranh cãi rằng phim và truyện cái nào hay hơn. Nhưng rồi, bao năm qua, khi phim Việt ra rạp ngày một nhiều hơn, các kịch bản điện ảnh hình thành từ văn học nhiều hơn thì những tranh cãi kiểu đó dần lùi vào quá khứ, nhường chỗ lại cho việc tranh luận phim dở-hay, đáng xem hay không.
Đạo diễn Hồng Ánh chỉ đạo diễn xuất trong phim Đảo của dân ngụ cư,bộ phim đang được giới thiệu tại LHP Cannes ở Pháp. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Le lói vài tia hy vọng
Xếp sau Cánh đồng bất tận là các phim: Nước 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) chuyển thể từ truyện Nước của Nguyễn Ngọc Tư; phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ; phim Đời như ý (đạo diễn Vương Quang Hùng) chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư… Thế nhưng trong các phim chuyển thể từ văn học gần đây, chỉ có bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim có doanh thu tốt bởi cân bằng được yếu tố thị trường, còn Cánh đồng bất tận, Quyên, Nước 2030… trước đó vẫn chưa phải là phim có doanh thu. Các bộ phim đó nằm ở lưng chừng phim nghệ thuật và phim thị trường.
Trong hàng loạt phim sắp ra rạp, khi các nhà sản xuất đổ tiền vào phim Việt là các đại gia giải trí Hàn Quốc; khi một vài phim Hàn Quốc làm lại đã ăn khách thì với tư duy theo lối mòn, hàng loạt phim Hàn tiếp tục được mua bản quyền làm lại ở thị trường điện ảnh Việt. Giữa vô vàn phim làm lại từ kịch bản Hàn, bắt đầu le lói vài phim Việt có kịch bản từ các tác phẩm văn học Việt: Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh; Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh từ truyện của nhà văn Đỗ Phước Tiến; Giọt sầu đa mang do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Đình Tú…
Thêm thắt màu sắc thị trường cho văn học
“Xét về kho tàng văn học Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta không có tác phẩm thua thế giới nhưng tất cả đạo diễn Việt Nam, nhà sản xuất Việt Nam khi lao vào thị trường đã bỏ quên thói quen đọc sách. Bỏ thói quen đó làm họ bỏ quên luôn kho tàng vô giá là văn học, một nguồn nguyên liệu dồi dào mà không biết khai thác” - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Còn diễn viên Hồng Ánh, trong vai trò đạo diễn phim đầu tay Đảo của dân ngụ cư, chị cho biết: “Phải ở cương vị nhà sản xuất và đạo diễn mới thấy sự khác biệt của kịch bản điện ảnh so với tác phẩm văn học. Đối với nhà sản xuất, một kịch bản hay là một kịch bản nhắm đúng đến đối tượng của bộ phim và còn phải là một kịch bản “khả thi” - có thể sản xuất được với chi phí hợp lý. Đối với một đạo diễn, một kịch bản hay là một kịch bản gợi được những tư duy mới mẻ. Kịch bản là cái nền cho sự sáng tạo của đạo diễn. Đó sẽ là thách thức cho những nhà viết kịch bản”.
Cả đạo diễn Hồng Ánh lẫn Huỳnh Tuấn Anh đều cho rằng điện ảnh Việt sẽ khá khẩm hơn nếu biết dựa vào các tác phẩm văn học Việt và hiển nhiên sự khá khẩm đó còn phụ thuộc vào tay nghề chuyển thể của những người chấp bút cho phim Việt. Thế nhưng hãy hy vọng kịch bản phim Việt từ văn học Việt đến được với thị hiếu; nếu điều đó thành thật thì đó là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt, bởi một nền điện ảnh khó lòng có nhiều phim tốt nếu không có kịch bản tự thân mà dựa vào kịch bản vay mượn từ điện ảnh nước bạn.
Thiếu tác phẩm ăn khách để làm ra kịch bản ăn khách Lý giải về việc tại sao nhiều tác phẩm văn học nhưng điện ảnh Và muốn chuyển thể tốt, phải hiểu chiều sâu thẳm của tác phẩm, từ đó làm thành chìa khóa mở tác phẩm gốc”. |