Vào tù vì... hai chiếc mũ vải

Băng “cướp giật mũ” này gồm bốn thanh niên: Vũ Văn Thành (SN 1995), Nguyễn Bá Thịnh (SN 1997), Vũ Thanh Hùng (SN 1996), Vũ Văn Lộc (SN 1996), đều ngụ huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Ngày 3-4, họ đã bị TAND huyện Tiên Lãng kết án từ 18 tháng tù đến 36 tháng tù về tội cướp giật tài sản mà tài sản chỉ là... hai chiếc mũ vải của nữ sinh (trị giá khoảng 60.000 đồng).

Hai chiếc mũ che lấp tương lai

Theo kết luận điều tra và cáo trạng, Thành, Thịnh, Hùng, Lộc “âm mưu” bàn nhau nếu gặp học sinh nào đi xe đạp đội mũ, nón đẹp sẽ cướp giật về để chia nhau... đội. Sáng 23-9-2013, khi hai nữ sinh Trịnh Thu Hà và Vũ Thị Ngọc Anh đang đạp xe đi học thì bị bốn thanh niên này đi trên một xe máy cướp giật mũ vải. Ngay sau đó, Ngọc Anh và Thu Hà đã có đơn trình báo, thậm chí cả ban giám hiệu Trường THPT Toàn Thắng cũng có văn bản đề nghị Công an huyện Tiên Lãng điều tra, xử lý.

Ngày 27-9, bốn thanh niên này đến Công an huyện Tiên Lãng đầu thú, nộp xe máy, mũ đã cướp được, đồng thời khai nhận “hành vi phạm tội” của bản thân. Sau đó, họ bị khởi tố, truy tố, đến ngày 3-4 thì TAND huyện Tiên Lãng xét xử như đã nói. Tòa nhận định: “Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người khác, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương; do đó cần phải xử phạt nghiêm khắc để cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung”.

Ba bị cáo “cướp giật mũ” Vũ Văn Lộc, Nguyễn Bá Thịnh, Vũ Thanh Hùng (từ trái qua). Ảnh: N.DÂN

Chỉ là chuyện trêu đùa?

Điều đáng nói là từ giai đoạn điều tra, các nữ sinh mà cơ quan tố tụng huyện Tiên Lãng cho là “người bị hại” đã cùng gia đình làm đơn đề nghị xem xét cho bốn bị cáo nhưng không được các cơ quan tố tụng huyện Tiên Lãng xem xét.

Nữ sinh Trịnh Thu Hà viết trong đơn: Sáng đó, sau khi bị giật mũ, cô không phản ứng gì vì nghĩ chỉ là chuyện trêu đùa nam nữ. Sau đó thì có hai người công an tiếp cận, bắt các bị cáo dừng xe, yêu cầu trả mũ cho cô và Ngọc Anh.

Trao đổi, Hà kể cô đã tưởng chuyện chỉ dừng ở đó, không ngờ các bị cáo lại bị bắt. Cô không tố giác gì nhưng sau đó công an lại gọi cô lên bảo viết tường trình về sự việc. Khi về, cô đã cùng gia đình làm đơn đề nghị xem xét cho các bị cáo bởi “tôi coi là chuyện bình thường vì chiếc mũ vải mềm giá trị không lớn, có thể cho hoặc tặng”.

Ngày 10-5, chúng tôi đã tiếp xúc với Thịnh, Hùng, Lộc (được tại ngoại, riêng Thành đang bị tạm giam). Những khuôn mặt trẻ măng, rụt rè, bẽn lẽn, trong đó Lộc còn đang bận đồ học sinh. Cả ba thừa nhận có lấy mũ của các nữ sinh nhưng để trêu đùa, thậm chí vì có quen biết với “nạn nhân” Ngọc Anh nên muốn lấy mũ để gây sự chú ý của nữ sinh này.

Về diễn biến sự việc, Thịnh, Hùng, Lộc cho biết khác với kết luận điều tra, sau khi lấy mũ của hai nữ sinh, họ bị hai công an đi ngang qua thấy vậy chặn lại yêu cầu trả mũ. Sau đó, Thành đã bị hai công an này bắt cùng với chiếc xe máy và dẫn giải ngay về trụ sở. Còn với Thịnh, Hùng, Lộc, chiều hôm sau phía cơ quan công an mới đến đưa giấy triệu tập chứ không có chuyện đến ngày 27-9 họ ra cơ quan công an đầu thú.

Được biết Thịnh, Hùng, Lộc và gia đình đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.

NGUYỄN DÂN

Chỉ cần răn đe, giáo dục

Hàng xóm cho biết Thịnh, Hùng, Lộc, Thành thường ngày đều là những thanh niên hiền lành, chất phác, không có bất cứ điều tiếng nào. Gia đình các bị cáo cũng thuộc loại khó khăn. Cha mẹ đều làm nông, nhà đông anh em, có bị cáo vì không đủ điều kiện đi học nên phải ở nhà phụ giúp gia đình.

Ông Nguyễn Bá Tuyên (Phó Chủ tịch xã Tây Hưng, có thâm niên hơn 10 năm làm trưởng công an xã) cho biết trường hợp của các bị cáo chỉ cần răn đe, giáo dục là chính. Hành vi, hậu quả không có gì lớn nên cơ quan tố tụng cần xem xét lại. “Các cháu đang độ tuổi ăn học, chuẩn bị bước vào đời, bây giờ mà đi tù thì tương lai các cháu sẽ khép lại mất” - ông Tuyên mủi lòng.

Xử hình sự là quá nặng tay

Tội cướp giật tài sản (Điều 136 BLHS) không quy định mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự. Tuy nhiên, các bị cáo lấy hai chiếc mũ vải của nữ sinh chỉ nhằm nghịch ngợm trêu đùa, “ghẹo gái” mà lại bị khởi tố, truy tố, kết án, thậm chí một người còn bị bắt tạm giam là quá nặng tay.

Tôi nghĩ các cơ quan tố tụng cần áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS là “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Trong trường hợp này, chỉ cần phạt hành chính, thậm chí chỉ cần nhắc nhở các bị cáo là đủ.

Luật sư ĐINH VĂN THẢO (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm