Trong văn bản vừa gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng không nên chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT quản lý. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng mình quản lý.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không nên tách Luật Giao thông đường bộ làm hai dự luật. Ảnh: T.PHAN
Tuy nhiên, tại dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (luật mới được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ) lại chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý.
Quy định này không phù hợp Nghị quyết số 17/2007, Ban Chấp hành trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Trong đó, Nghị quyết nêu rõ: “Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…”.
Cạnh đó, Hiệp hội vận tải ô tô khẳng định nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau.
Với mô hình hiện nay, ngành giao thông vận tải quản lý đào tạo lái xe, ngành công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” dễ phát sinh tiêu cực.
“Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?” - lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho rằng việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra những khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước. Bởi vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan dân sự thực hiện.
“Đặc biệt, việc thay đổi sang cơ quan công an quản lý, tiền chi từ ngân sách cho công tác này sẽ cao hơn nhiều so với ngành giao thông do tiền lương và các chế độ chính sách của lực lượng vũ trang cao hơn nhiều so với dân sự…” - Hiệp hội nhận định.
Đối với việc tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai dự luật (thêm Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ), Hiệp hội cho rằng sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.
Bởi theo hiệp hội, trong quản lý hoạt động giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, hai mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn luôn được đặt ra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
“Đặc biệt, khi tách Luật giao thông đường bộ thì có cần tách các luật khác như Luật đường thủy nội địa, Luật đường sắt... thành hai luật không?"- Hiệp hội đặt vấn đề.
Vì vậy, Hiệp hội cho rằng không cần thiết và không thể tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 11-11, về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (do Bộ GTVT soạn) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an soạn), nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe cho Bộ Công an. Cạnh đó là việc tách luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật. Theo đó, các đại biểu kiến nghị cần lấy phiếu xin ý kiến đại biểu về những vấn đề trên trước khi bàn luận sâu đến nội dung dự luật. |