Ngày 17-10, Venezuela đã thành công trong cuộc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHRC), bất chấp những vấn đề kinh tế - xã hội mà nước này vẫn đang phải đối mặt.
Cụ thể, có ba nước của khu vực Mỹ Latin và Carribe tham gia tranh cử vào hai ghế thành viên UNHRC. Trong đó, Brazil dẫn đầu với 153 phiếu, Venezuela xếp thứ hai với 105 phiếu và Costa Rica không trúng cử khi chỉ có 96 phiếu.
Bộ Ngoại giao Brazil tuyên bố việc tái đắc cử UNHRC là một "thắng lợi quan trọng" của nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza đã gọi kết quả này là một thắng lợi của ngành ngoại giao nước này, bất chấp những khó khăn trong nước và quốc tế đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính trị của Venezuela.
Chủ tịch UNHRC Coly Seck. Ảnh: LHQ
Tình hình chính trị và kinh tế ở Venezuela trở nên căng thẳng từ đầu năm nay. Không lâu sau khi ông Nicolas Maduro nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido đã tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của nước này.
Mỹ và nhiều nước đồng minh đã nhanh chóng công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, kêu gọi ông Maduro từ chức và tổ chức bầu cử mới. Ngày 6-8, Mỹ đã ký các sắc lệnh phong tỏa tài sản của chính phủ Venezuela và các thực thể liên quan, cũng như trừng phạt các cá nhân ủng hộ Tổng thống Maduro.
Trong khi đó, ông Maduro vẫn có được sự ủng hộ của nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Bolivia, Cuba… và đặc biệt là sự ủng hộ của quân đội Venezuela.
Cứ ba năm một lần, 193 thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ bầu mới một phần trong số 47 thành viên UNHRC. Theo quy định của LHQ, các ghế trong UNHRC sẽ được phân bổ theo khu vực địa lý.
Năm nay, LHQ đã bầu ra 14 thành viên tham gia hội đồng này trong nhiệm kỳ 2020-2022. Các thành viên mới bao gồm Libya, Mauritania, Sudan và Namibia (châu Phi), Indonesia, Nhật Bản, Marshalls và Hàn Quốc (châu Á - Thái Bình Dương), Armenia và Ba Lan (Đông Âu), Đức và Hà Lan (Tây Âu và các quốc gia khác).
UNHRC được thành lập năm 2006, đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là cơ quan trực thuộc LHQ, có trách nhiệm phát hiện ra các hành vi lạm dụng và cử các giám sát viên đặc biệt để theo dõi các vấn đề nhân quyền của các quốc gia thành viên.
Việt Nam đã từng giữ ghế thành viên UNHRC trong nhiệm kỳ 2014-2016.
Năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi hội đồng trên. Một số chuyên gia nhận định quyết định của Washington có phần bị ảnh hưởng bởi việc hội đồng này đã lên án các hành vi của Israel, một đồng minh của Mỹ.