Theo Reuters, ông Maduro không tới New York tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào cuối tháng 9, nhưng sẽ cử Phó Tổng thống Delcy Rodriguez và Ngoại trưởng Jorge Arreaza đi thay và trình lên Tổng thư ký LHQ bản kiến nghị được 12 triệu người Venezuela cùng ký nhằm chỉ trích các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ.
“Số đông người dân Venezuela đồng thuận nói không muốn phong tỏa, không có trừng phạt nữa”, ông Maduro nói với các thanh niên thuộc đảng cầm quyền hôm 12-9. “Năm nay tôi sẽ ở lại với tất cả các bạn để cùng làm việc ở Venezuela, một cách an toàn và bình tĩnh”.
Năm ngoái, Tổng thống Maduro đến phút cuối mới có mặt tại New York để tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ sau khi có thông tin nói rằng ông không tham gia vì có liên quan đến một âm mưu ám sát, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu tại phiên họp lần thứ 73 Đại hội đồng LHQ năm 2018. Ảnh: Website LHQ
Hiện ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela, vốn phần lớn phụ thuộc vào các khoản thu từ việc bán dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PDVSA), đang phải vật lộn với tình trạng tham nhũng, chảy máu chất xám, quản lý kém và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các chuyên gia nói với hãng tin Bloomberg rằng các hãng tàu đang tránh vận chuyển dầu của Venezuela vì sợ bị xử phạt và mất bảo hiểm trên tàu của họ. Việc thiếu tàu có thể gây thiệt hại cho xuất khẩu dầu cho Venezuela. Sản lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 8 vừa qua đã xuống đến mức thấp trong vòng 16 năm.
Ông Manuel Quevedo, Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela và là chủ tịch OPEC. Ảnh: The National
Tuy nhiên, theo trang tin The National, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo nói rằng nước này sẽ phục hồi sản xuất và lệnh cấm vận của Mỹ sẽ sớm được dỡ bỏ sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bị cách chức.
"Chắc chắn vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ phục hồi sản xuất. Chúng tôi hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ rất, rất sớm" - ông Quevedo nói thêm.