Vì sao chú của Kim Jong-un mất chức

Ông Kim Jong-un (phải) và ông Jang Song-thaek trong một sự kiện đầu năm nay. Ảnh: KCNA

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ hai chính thức xác nhận việc cách chức ông Jang Song-thaek, chú của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, chấm dứt nhiều đồn đoán về số phận bí ẩn của Jang.

Jang bị khép tội phản đảng, phản cách mạng, tham nhũng, đồi trụy, sử dụng ma túy, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và tham gia đánh bạc tại nước ngoài. Danh sách dài những tội danh của ông này được công khai trên truyền hình.

Hình ảnh, thông tin về Jang bị rút khỏi hệ thống truyền thông nhà nước. Bình Nhưỡng thậm chí còn đăng tải hình ảnh vị quan nhiếp chính một thời này bị bắt ngay tại cuộc họp của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Động thái đặc biệt này gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia nghiên cứu vấn đề Triều Tiên. "Điều này thật lạ thường. Chúng tôi chưa từng chứng kiến một hình thức thông báo như vậy trong quá khứ. Lời giải thích quá kỹ như muốn chứng minh tính hợp pháp của quyết định này", BBC dẫn lời một quan chức trong bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Theo thông cáo chính thức, tội danh chính của Jang Song-thaek là ý đồ thách thức quyền lãnh đạo, âm mưu lũng đoạn nền kinh tế và gây bè kết phái trong nội bộ đảng. Theo nhiều chuyên gia, lần biến động nhân sự quan trọng nhất hai năm qua này, hé lộ những chấn động lớn trong nội bộ chính trường Bình Nhưỡng.

"Việc khai trừ một quan chức hàng đầu như vậy cho thấy khả năng bất ổn là khá lớn, bởi nếu mọi việc đều ổn thì không cần phải làm vậy", Giáo sư Victor Cha thuộc đại học Georgetown (Mỹ) nhận định. "Tình hình bên trong hệ thống chính trị Triều Tiên phức tạp hơn nhiều những gì truyền thông khắc họa".

Trang báo mạng DailyNK của Hàn Quốc dẫn nguồn tin nội bộ Triều Tiên cho hay, quyết định cách chức ông Jang liên quan mật thiết đến những tranh cãi xoay quanh việc nước này có nên tiến hành cải cách nền kinh tế theo mô hình Trung Quốc hay không.

Jang Song-thaek trước khi bị khai trừ từng phụ trách công tác cải cách và phát triển kinh tế. Ông được cho là người có quan điểm mở cửa toàn bộ nền kinh tế, chứ không phải là cải cách từng phần như nhiều quan chức cao cấp khác, kể cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo Tiến sĩ John Delury thuộc đại học Yonse (Hàn Quốc), điều đáng chú ý trong sự kiện lần này là, Bình Nhưỡng thừa nhận việc quan chức cấp cao nhất, đồng thời là thành viên của gia tộc họ Kim có hành vi tham nhũng và bất trung. "Đây là tín hiệu đáng ngạc nhiên và có ý nghĩa cảnh cáo với những người khác", ông Delury nhận xét.

Bà Jean Lee, nguyên giám đốc chi nhánh hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, nhận định, "quyết định thanh trừng Jang Song-thaek và người cùng phe phái phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, người người bình đẳng trước pháp luật, kể cả người thân của Kim Jong-un".

Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), các ông Ri Yong-ha và Jang Soo-kil, hai trợ thủ đắc lực của Jang trong bộ Hành chính thuộc đảng cầm quyền, đã bị xử tử hồi tháng 11 với tội danh tham nhũng.

Quyền lực quá lớn

Ông Jang Song-thaek (trái) đi ngay sau Kimg Jong-un trong đám tang của nhà lãnh đạo Kim Jong-il năm 2011, thể hiện vị trí chính trị đặc biệt của ông. Ảnh: KCNA

Lý do chính khiến Bình Nhưỡng đưa ra quyết định quan trọng này theo một cách quyết liệt và chóng vánh, là bởi giai đoạn chuyển tiếp quyền lực giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và con trai, Kim Jong-un đã kết thúc. "Vai trò cầu nối giữa quá khứ và tương lai của Jang Song-thaek đã chấm dứt", Tiến sĩ Paik Hak-soon thuộc Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) bình luận.

Cố lãnh đạo Kim Jong-il trước khi qua đời ủy thác cho 7 quan chức cao cấp nhiệm vụ phò tá con trai mình, trong vai trò những "quan nhiếp chính". Jang Song-thaek với thân phận là chồng người cô ruột của nhà lãnh đạo trẻ, đứng đầu trong hàng ngũ các quan nhiếp chính.

Nhưng chính vai trò quan trọng đó càng khiến Jang đối diện với những nguy cơ chính trị tiềm tàng. Nhiều nhà phân tích từng nhận định ông là người thực sự nắm quyền đằng sau người cháu trẻ tuổi.

"Càng nhiều người vây quanh Jang bao nhiêu, ông ấy càng trở nên có quyền lực bấy nhiêu", Tiến sĩ Paik cho biết. "Chính bởi Jang Song-thaek là chính khách có quyền lực lớn đến vậy tại Triều Tiên, nên người ta cần đưa ra một lời giải thích cụ thể về quyết định khai trừ ông".

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia Lưu Minh thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải cho rằng, việc ông Jang trở thành người có quyền lực thứ hai tại Triều Tiên trong thời gian quá ngắn không tránh khỏi khiến nhiều quan chức cao cấp khác đố kỵ. "Những quan chức này rất có thể đã nhắc nhở Kim Jong-un về động cơ và tham vọng của Jang Song-thaek", ông Lưu nói.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại Triều Tiên, chính trị gia có vai trò nhiếp chính bị loại bỏ. Trong những năm 1970, nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên khi đó Kim Jong-il cũng đã loại một người chú nhiều quyền lực được coi là đối thủ chính trị của ông, để kế thừa di sản của cha mình, nhà lập quốc Kim Il-sung.

Theo Tân Hoa Xã, trong hai năm qua, Kim Jong-un đã điều động chức vụ của 97 quan chức cao cấp, chiếm 44% số lượng các chính trị gia hàng đầu của Triều Tiên. Trong đó, đa phần các quan chức và tướng lĩnh trẻ tuổi hơn thay thế vị trí của những vị trọng thần từ thời Kim Jong-il. 5 trong số 7 "quan nhiếp chính" có nhiệm vụ phù trợ nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã mất chức với các lý do khác nhau.

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) cho rằng, hiện nay rất khó để phán đoán liệu các cố vấn mới của Kim Jong-un có đủ kinh nghiệm để đưa ra những kiến nghị phù hợp hay không, đặc biệt là các vấn đề đối ngoại xoay quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Ông Jang Song-Thaek bị bắt trong một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: AFP

Hậu quả của việc ông Jang Song-thaek mất chức không chỉ nằm trong phạm vi chính trường Bình Nhưỡng, mà còn có thể gây ra tác động lớn đến cục diện bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á.

"Tôi cho rằng việc Jang Song-thaek mất chức khiến chính trường Triều Tiên chấn động lớn", New York Times dẫn lời nghị sĩ Hàn Quốc Jung Cheong-rae. Ông Jung là thành viên Ủy ban Tình báo của quốc hội. Ông này cũng e ngại rằng trong trường hợp mâu thuẫn nội bộ vượt mức kiểm soát, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ có những động thái đối ngoại gây căng thẳng, nhằm chuyển hướng sự chú ý trong nước ra ngoài.

Các quốc gia láng giềng của Triều Tiên là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bày tỏ thái độ quan tâm đặc biệt với sự kiện này. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói "Trung Quốc hy vọng Triều Tiên tiếp tục duy trì ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và mang lại hạnh phúc cho người dân"

Hàn Quốc sẽ tiếp tục "theo dõi sát vấn đề nội bộ của Triều Tiên, các mối quan hệ ngoại giao cùng nhiều yếu tố khác". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay, nước này đặc biệt chú ý đến những động thái trong quân đội Triều Tiên.

Theo Đức Dương tổng hợp (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới