Năm 2009, động đất xảy ra ở L’Aquila làm hơn 300 người chết, tuy nhiên L’Aquila là TP với hàng chục ngàn dân. Còn khu vực bị động đất vừa rồi rất ít dân cư và chủ yếu là các làng nông thôn, vậy tại sao số thiệt hại về người cao như thế?
Theo Thủ tướng Ý Matteo Renzi, một trong những nguyên nhân có thể do vào thời điểm này trong năm, nhiều du khách đến các địa phương vừa xảy ra động đất. Ví dụ, thị trấn Amatrice đang chuẩn bị cuối tuần này sẽ tổ chức liên hoan kỷ niệm 50 năm món mì Ý spaghettiall’amatriciana nổi tiếng của địa phương.
Ông ghi nhận một đặc điểm của nhiều làng ở Ý, đó là các địa phương có các di tích lịch sử nhiều thế kỷ rất đẹp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông đã đến thị sát khu vực động đất vào chiều 24-8 và chiều hôm sau đã chỉ đạo cuộc họp hội đồng bộ trưởng để quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp.
Về địa chất, nước Ý nằm giữa mảng kiến tạo Á-Âu và mảng kiến tạo châu Phi. Hai mảng kiến tạo cọ xát nhau, đặc biệt tại dãy núi Appennini chạy dọc bán đảo Ý. Khu vực này kéo dài 1.000 km chạy từ miền Bắc đến miền Nam nước Ý. Như vậy nước Ý bị kẹt trên thế “trên đe dưới búa”. Động đất phát sinh khi hoạt động địa chất thúc đẩy khiến núi trồi lên hoặc có khi ngược lại núi bị kéo giãn ra.
Các nhà địa chất ghi nhận động đất với cường độ như động đất ngày 24-8 sẽ xảy ra theo chu kỳ mỗi 10 năm một lần. Thế nhưng không ai có thể biết trước ngày xảy ra động đất, thời gian động đất kéo dài và cường độ động đất. Như trận động đất ở L’Aquila năm 2009 chỉ xảy ra sau ba tháng mặt đất liên tục rung lắc. Còn trong lần động đất ngày 24-8 này, không có dấu hiệu nào báo trước.
Chủ tịch Hội đồng Các nhà địa chất học Ý Francesco Peduto thừa nhận văn hóa phòng, chống động đất ở Ý chưa cao. Từ đó, người dân chưa hình thành đủ phản xạ khi động đất xảy ra.
Sau thảm kịch động đất ở L’Aquila, nhiều quy định về chống động đất trong xây dựng đã được ban hành. Dù vậy, đáng lo ngại là phần lớn nhà cửa ở Ý đều là nhà cũ hay nhà cổ. Phá dỡ hay gia cố các cấu trúc xây dựng trong các khu vực động đất đều không mang tính khả thi về tài chính.