Vị trí đặc biệt này sẽ rất quan trọng trong việc xác định cuộc tập trận gây tranh cãi đến mức nào.
Tạp chí The Diplomat(Nhật) dự báo nếu cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển đảo Hải Nam (miền Nam TQ) thì Bắc Kinh có thể sẽ tránh không làm các nước láng giềng khó chịu. TQ đã tổ chức nhiều cuộc tập trận gần đảo Hải Nam, nơi không có tranh chấp vì Hải Nam rất gần Hoa Lục và gần các căn cứ quân sự TQ.
Nếu cuộc tập trận diễn ra gần quần đảo Trường Sa và có sử dụng vài cơ sở hạ tầng kỹ thuật do TQ xây trái phép trên các đảo nhân tạo, đó có thể là tín hiệu cảnh cáo cộng đồng quốc tế của Bắc Kinh và lúc đó chắc chắn Bắc Kinh sẽ bị phản ứng mạnh mẽ.
Nếu Bắc Kinh muốn tổ chức tập trận chung gần các quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa, liệu Moscow có đồng ý? Gần đây TQ khoe khoang Nga ủng hộ yêu sách chủ quyền của TQ ở biển Đông. Hồi tháng 4, Tân Hoa xã hoan nghênh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích vài chính phủ “quốc tế hóa” vụ tranh chấp biển Đông với TQ.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, cũng như Mỹ, Nga đã ủng hộ giải pháp ngoại giao cho tranh chấp biển Đông vì Việt Nam đã mua vũ khí Nga từ thời Chiến tranh lạnh. The Diplomatnhận xét: “Nếu Nga quá nghiêng về TQ thì sẽ làm Việt Nam buồn. Bởi đã có cảm giác vì Nga giữ thế trung lập về tranh chấp biển Đông nên Việt Nam nhờ Mỹ hỗ trợ an ninh, gây hại cho quan hệ của Nga với một đối tác an ninh lâu nay”.
Song song theo đó, Nga còn phải đối diện sức ép giữ quan hệ thân cận với TQ do hai nước đã đào sâu quan hệ an ninh với các cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, biển Đen và biển Nhật Bản. Hai nước đều muốn chặn Mỹ giữ quyền lãnh đạo thế giới tuyệt đối. Tuy nhiên, Nga không quan tâm đến biển Đông vì khu vực này không cần thiết cho an ninh Nga.
Thái độ nước đôi của Nga về tuyên bố yêu sách chủ quyền của TQ cũng giống phản ứng của Bắc Kinh khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. TheoThe Diplomat, có một cách để Nga-Trung cùng thỏa mãn nhu cầu của mỗi bên ở biển Đông là tổ chức cuộc tập trận chung gần đảo Hải Nam.
Nếu cuộc tập trận chỉ diễn ra ở vùng biển không tranh chấp thì Nga đã chọn cách đi trên dây thăng bằng. Điều này cho phép TQ nói: “Nhìn này, chúng tôi tổ chức tập trận chung với Nga ở biển Đông”. Trong khi đó, Nga có thể nói: “Đúng thế, nhưng đấy là vùng biển không tranh chấp hoặc vùng biển mà TQ có quyền kiểm soát”.