Ngày 5-1, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết chuyến bay 1282 của hãng hàng không Alaska Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Portland, bang Oregon (Mỹ), theo đài CNN.
Theo trang web theo dõi chuyến bay FlightAware, chuyến bay trên đã bay được khoảng 20 phút. Máy bay khởi hành từ sân bay quốc tế Portland vào khoảng 17 giờ 7 và hạ cánh lúc 17 giờ 27 (giờ địa phương).
Theo FAA, nguyên nhân của việc hạ cánh khẩn cấp là do “phi hành đoàn báo cáo vấn đề về áp suất”.
Tuy nhiên, ông Kyle Rinker – một hành khách trên chuyến bay – cho biết nguyên nhân khiến máy bay phải hạ cánh là do máy bay bị bung một mảng lớn giữa không trung.
“Nó thực sự đột ngột. Khi lên cao, một phần trên thân máy bay bị bung ra. Tôi không nhận ra điều đó cho đến khi mặt nạ dưỡng khí rơi xuống” – ông Rinker nói.
Các video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy lời kể của ông Rinker là đúng sự thật.
"Khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi"
Ông Evan Smith – hành khách ngồi cách khu vực xảy ra sự cố khoảng 6 hàng ghế – cho biết ông đã nghe thấy tiếng nổ lớn.
“Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn ở phía sau bên trái, một âm thanh vù vù. Sau đó, tất cả mặt nạ dưỡng khí rơi xuống và mọi người đều đeo chúng vào “ – ông Smith kể.
Trong một video đăng trên X (tên gọi mới của Twitter), một hành khách kể rằng sau khi sự cố xảy ra, áo sơ mi của một cậu bé đã bị hút ra ngoài. Người mẹ sau đó đã ôm cậu bé để trấn an.
Trong khi đó, hành khách Emma Vu đang ngủ thì có cảm giác vừa bị té ngã. Bà thức dậy thì thấy các mặt nạ dưỡng khí rơi xuống.
Bà Vu cho biết bà đã nhắn tin cho bố mẹ hay về vụ việc.
Thấy bà Vu đang sợ hãi, các hành khách và tiếp viên tìm cách trấn an bà.
“Tiếp viên cũng đến và nói với tôi rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Thực tế là mọi người đều hoảng sợ, nhưng cô tiếp viên đã dành thời gian để trấn an tôi. Thật lòng mà nói điều đó thực sự rất ngọt ngào” – bà Vu cho hay.
Trong một video đăng tải trên mạng xã hội, một hành khách cho biết sự cố trên chuyến bay của Alaska Airlines “thực sự là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi”. Người này cũng cho biết: “Rất may mọi người đều ổn và không có ai ngồi ở ghế gần khu vực phần thân máy bay bị bung ra”.
Các bên liên quan có động thái gì?
Theo FAA, chiếc máy bay này thực hiện chuyến bay trên là chiếc Boeing 737 MAX 9, đã nhận được giấy chứng nhận đủ điều kiện bay vào ngày 25-10-2023.
Cuối ngày 5-1, Alaska Airlines cho biết họ đang làm việc với Boeing để xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố trên chuyến bay 1282.
“Trái tim tôi hướng về những người có mặt trên chuyến bay này.Tôi rất tiếc vì những gì các bạn đã trải qua” – ông Ben Minicucci, giám đốc điều hành Alaska Airlines, nói.
Hôm 6-1, FAA ra lệnh dừng bay tạm thời đối với mẫu máy bay Boeing 737 MAX 9. FAA cho biết sẽ kiểm tra khẩn cấp các máy bay này và quá trình này có thể “mất khoảng 4 đến 8 giờ cho mỗi máy bay”.
Boeing cho biết công ty ủng hộ quyết định trên của FAA.
“An toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về tác động của sự cố đối với khách hàng của chúng tôi (Alaska Airlines) và hành khách của họ. Chúng tôi đồng ý và hoàn toàn ủng hộ quyết định của FAA về việc yêu cầu kiểm tra ngay lập tức các máy bay 737 MAX 9 – loại máy bay cùng loại với chiếc máy bay gặp sự cố vừa qua” - thông báo của Boeing cho hay.
Sau thông báo của FAA, hãng hàng không United Airlines cũng cho biết họ đã đình chỉ dịch vụ trên máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng.
“Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với những khách hàng bị ảnh hưởng. Việc tạm thời dừng hoạt động các máy bay Boeing 737 MAX 9 sẽ khiến khoảng 60 chuyến bay của hãng bị hủy trong ngày hôm nay” – United Airlines thông báo.
Chiều 6-1, Alaska Airlines cho biết 18 trong 65 máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng đã được hoạt động trở lại sau các cuộc kiểm tra “kỹ lưỡng”. Hãng này cho hay các cuộc kiểm tra còn lại sẽ “hoàn thành trong vài ngày tới”.
Các sự cố trước đây liên quan dòng 737 MAX của Boeing
Theo CNN, đây không phải là lần đầu tiên dòng máy bay 737 MAX của Boeing gặp sự cố.
Năm 2018, chuyến bay 610 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) – được khai thác bằng máy bay Boeing 737 MAX 8 – đã lao xuống ngoài khơi Indonesia. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Chưa đầy 5 tháng sau, vào năm 2019, chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines – được khai thác bằng máy bay Boeing 737 MAX 8 – đã bị rơi ngay sau khi rời thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Vụ việc khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.
Sau tai nạn trên, dòng Boeing 737 MAX tạm dừng hoạt động trên toàn cầu.
Boeing đã thực hiện các thay đổi đối với dòng máy bay này, bao gồm hệ thống điều khiển chuyến bay. Cuối năm 2020, FAA cho phép dòng Boeing 737 MAX hoạt động trở lại.
Vào tháng 12-2023, Boeing đã kêu gọi các hãng hàng không kiểm tra tất cả máy bay 737 MAX. Đề nghị trên được đưa ra sau khi một hãng hàng không phát hiện máy bay có một bu-lông bị thiếu đai ốc, trong quá trình kiểm tra định kỳ.