Lúc 6 giờ 23 phút sáng 2-6 (giờ Bắc Kinh), tàu vũ trụ không người lái Thường Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng tại khu vực phía đông bắc lưu vực Nam Cực-Aitken, theo tờ South China Morning Post.
Con tàu vũ trụ được phóng đi vào ngày 3-5, là một phần trong sứ mệnh mang tính bước ngoặt nhằm thu thập các mẫu đất và đá từ vùng tối của Mặt Trăng.
Vì Mặt Trăng luôn quay cùng với Trái Đất, do đó phần mặt lưng của của nó luôn bị che khuất, trở thành vùng tối, cho đến nay là một bí ẩn mà con người đang muốn do thám.
Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cho biết rằng sứ mệnh này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 53 ngày, đồng thời đã công khai những thước phim tuyệt đẹp ghi lại cảnh tàu vũ trụ hạ cánh.
Tàu vũ trụ dự kiến sẽ trải qua các bước kiểm tra ban đầu và sau đó bắt đầu thu thập các mẫu đất và đá từ bề mặt Mặt Trăng bằng cánh tay robot của nó.
Nếu quay về thành công, con tàu sẽ giúp cung cấp cho các nhà khoa học những mẫu đất và đá đầu tiên từ vùng tối của Mặt Trăng.
Theo các nhà khoa học, những mẫu vật phẩm do con tàu thu thập được có thể mang đến những khám phá quan trọng về lịch sử và sự tiến hóa của Mặt Trăng, đặc biệt là vì hai bán cầu của chúng rất khác nhau. Chẳng hạn, phía bán cầu gần Trái Đất được bao phủ với một biển núi lửa, trong khi điều này hiếm khi xảy ra ở phần phía xa (tức vùng tối).
“Các mẫu lấy trực tiếp từ phía xa của Mặt Trăng là điều cần thiết để giúp chúng ta hiểu sâu hơn về đặc điểm và sự khác biệt từ hai phía của chúng, đồng thời tiết lộ những bí ẩn của Mặt Trăng” - ông Zeng Xingguo, một nhà khoa học tại Đài quan sát thiên văn quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, nhà vật lý thiên văn Quentin Parker, đến từ ĐH Hong Kong cho biết rằng “Các mẫu lấy từ lưu vực Nam Cực-Aitken cũng có thể chứa các vật liệu cổ xưa bị đẩy ra từ sâu bên trong lớp phủ do tác động to lớn khi tạo ra lưu vực này. Điều này có thể cho chúng ta hiểu biết về trạng thái của Mặt Trăng khi chúng được hình thành lần đầu tiên vào khoảng 4,5 tỉ năm trước”.