Cử tri quận 2 thay nhau 'tố' việc thu hồi đất ở Thủ Thiêm
Chiều 9-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM gồm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; ông Phan Nguyễn Như Khuê -Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy -Phó Chánh án TAND TP tiếp xúc với cử tri quận 2.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết. Ảnh: HOÀNG GIANG
Quận 2 là nơi có dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, những năm qua người dân ở đây đi khắp nơi khiếu kiện vì cho rằng nhà, đất của họ nằm ngoài ranh của dự án này nhưng vẫn bị chính quyền cưỡng chế thu hồi, giải tỏa.
Buổi tiếp xúc nóng ngay từ những phút đầu hội nghị diễn ra. Nhiều tài liệu, hồ sơ, bản đồ quy hoạch... được cử tri chuẩn bị sẵn để phản ánh với các ĐBQH.
Ngay từ đầu buổi tiếp xúc, ban tổ chức cho biết đã nhận được 50 phiếu xin được phát biểu. So với các cuộc tiếp xúc của các tổ ĐBQH thì cuộc tiếp xúc này ý kiến xin phát biểu nhiều gấp 3-4 lần.
Mở đầu buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết đề cập ngay đến giá bồi thường khi giải tỏa nhà của bà. “Tôi đã gọi Công ty Sala, họ nói bán 350 chục triệu đồng/m2 nhưng đã bán hết. Đến 2018 mới có căn hộ nhưng giá bán 23 tỉ một căn. Nhà nước đền tôi 18 triệu/m2 như thế là ép dân quá. Nếu Sala bán 350 triệu/m2 thì ít nhất cũng phải đền bù cho tôi 50 triệu/m2, như thế tôi mới đồng ý” - bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cũng cho rằng cần phải xem xét lại việc làm mất bản đồ và quyết định 2005 của TP.HCM không thể thay thế được quyết định của Thủ tướng. “Phải có bản đồ 1/5000 mới có bản đồ quy hoạch 1/2000. Không có thì rất vô lý, đề nghị xem lại vấn đề này” - bà Tuyết nói.
Bà Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) cũng kể lại quá trình 10 năm đi khiếu kiện. “Ông nhà tôi bức xúc quá nên đã mất, tôi già yếu còn nuôi hai cháu nhỏ. Nhà tôi tạm bợ gần sập. Bây giờ tôi đề nghị chính quyền cấp lại nhà và đất cho tôi” - bà Vân nói và cho rằng phần đất của bà không nằm trong dự án và sự thật “khu đô thị mới Thủ Thiêm đã sáng tỏ như ban ngày rồi”.
Bà Lê Thị Ngọc Nga cũng nêu việc gia đình bà bị cưỡng chế khiến 10 năm nay bà miệt mài đi khiếu kiện. Bà Nga cho rằng những năm qua bà khiếu kiện vì UBND TP không ban hành quyết định thu hồi đất của nhà bà nhưng chính quyền quận 2 vẫn cưỡng chế.
“Bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm không có thì tôi cho rằng đã bị thủ tiêu. Nay ông Võ Viết Thanh đã trưng bày bản đồ cho người dân rõ, như vậy tôi đề nghị trả lại nhà và đất cho tôi” - bà Nga đề nghị.
Rất nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri này. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, một hộ dân cũng bị giải tỏa, cho rằng cả đời ông gom góp được 50 cây vàng, làm được cái nhà nhưng đền bù có 94 triệu đồng. “Tôi phải đóng thêm 800 triệu mới được một căn chung cư tái định cư” - ông Thanh nói và đề nghị xem xét vấn đề này.
Bà Đặng Thị Bích Ngọc cũng kể về việc nhà bà đã bị cưỡng chiếm năm 2011, trong khi bà cho rằng nhà bà nằm ngoài ranh quy hoạch. “Bảy năm nay chính quyền đẩy gia đình tôi ra đường. Tại sao chúng tôi nằm ngoài ranh mà lại giải tỏa trắng? Các ông có tường trình rõ phương án thay đổi cho Thủ tướng hay không?” - bà Ngọc hỏi.
Ông Ngô Hùng Phong (phường An Khánh) cũng bày tỏ nhà của ông nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều mà ông băn khoăn là năm 2013, nhà của ông có hơn 412 m2 nhưng bồi thường được 4 tỉ đồng. “Vợ chồng con cái 10 người, tiền đó mua cái gì được” - ông Phong nói.
Bà Nguyễn Thị Dung. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) cũng nói đất của bà không nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng chính quyền đã cưỡng chế. “Diện tích đất nhà tôi 88,9 m2, trong khi tôi chưa nhận được đồng bồi thường nào thì dúi vào tạm cư. Tôi yêu cầu chính quyền TP và quận 2 giải quyết cho tôi đúng quy định pháp luật, trả lại đúng 88,9 m2 cho tôi. Nhà tôi có sổ đỏ đàng hoàng” - bà Dung nói.