TÀN SÁT CÁ, TÔM BẰNG XUNG ĐIỆN - BÀI 2

Đột nhập các lò độ xiệc cá

Hiện nay việc độ các xiệc cá tương đối đơn giản, linh kiện để độ chủ yếu gồm sò, tăng phô… có xuất xứ từ Trung Quốc với giá khá rẻ. Theo chân các “xiệc tặc”, chúng tôi ghi nhận các lò độ này có mặt đều khắp ở các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng của tỉnh Long An.

Tiệm bán card điện thoại độ “xiệc”

Theo giới thiệu của nhiều người, một ngày gần giữa tháng 12, chúng tôi tiếp cận cửa hàng điện máy TC (ở khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa). Thoạt nhìn, đây chỉ là một cửa hàng thông thường bày bán các thiết bị điện như bếp ga, nồi cơm, quạt điện. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua xiệc châm cá thì ông chủ tiệm dẫn ngay ra sau nhà.

Vào bên trong lò, ập vào mắt chúng tôi là các thiết bị, linh kiện điện tử ngổn ngang và có ba thợ độ với nhiều xiệc điện nằm la liệt.

Một thợ cho biết nơi này chỉ đặt làm chứ không có sẵn. Cơ sở thường độ xiệc có giá 750.000 đồng/cái (loại 14 con sò - NV). “Nếu anh muốn xiệc công suất lớn hơn nhưng dễ dàng khuân vác trên vai thì chúng tôi vẫn đáp ứng. Ngoài ra cơ sở còn độ cả loại đa hệ với giá 1-2 triệu đồng nhưng muốn làm loại này thì phải đặt cọc và chờ vài hôm mới có” - người này nói và đưa cho chúng tôi xem một xiệc điện đa hệ có vài chục con sò.

“Tiệm em làm ăn đàng hoàng lắm. Nếu anh cần thì dằn cọc trước rồi chờ 1-2 ngày sẽ có hàng. Hư hỏng tiệm em bảo hành miễn phí” - chủ cơ sở nói thêm.

Chúng tôi tiếp tục tiếp cận một tiệm bán SIM-card điện thoại tên NS ở xã Tân Lập (Mộc Hóa) hỏi có độ xiệc không thì người chủ tên Sơn nhìn dò xét và hỏi sao PV biết. Chúng tôi trả lời một người hàng xóm chuyên xiệc cá giới thiệu thì ông Sơn giải thích phải cẩn thận vì sợ “mấy anh công an xã”. Nói xong ông Sơn vén bức màn che thì lộ ba xiệc điện đã độ xong, bên cạnh là la liệt các thiết bị điện tử. Chỉ vào các xiệc trên bàn, ông Sơn giới thiệu từng cái về chủng loại, tính năng kèm giá cả là 900.000 đồng/cái (loại hộp gỗ 16 con sò), 1,8 triệu (24 con sò)…

“Cái này giá 3,5 triệu đồng nhưng nếu ông thích tôi lấy 3,2 triệu đồng. Tôi làm mấy chục năm rồi, mấy cái này tôi tự mua linh kiện về làm, ráp đẹp đàng hoàng chứ không như các nơi khác” - ông Sơn nói.

Nói xong, ông Sơn dùng một sợi dây điện nối vào xiệc rồi ghim vào ổ cắm để thử hàng. Mỗi cú bật tắt bóng đèn dây tóc ở gần đó lại sáng lên, chiếc xiệc kêu e e, chứng tỏ máy hoạt động tốt. Chúng tôi hỏi có bảo hành không, ông Sơn nói nếu xài không được cứ đem đến sẽ được hoàn tiền lại.


Ông Tĩnh cho biết độ xiệc đã gần 10 năm nay và nghề này sống tốt. Ảnh: HOÀNG NAM

“Bao xài, không ai bắt đâu”

Từ giới thiệu của chủ tiệm tạp hóa MĐ ở thị trấn Thủ Thừa, chúng tôi đến ấp 1, xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) tìm một thợ độ chuyên ráp các loại xiệc lớn tên Tĩnh. Tiếp chúng tôi tại lò độ cũng là căn nhà cấp 4, ông Tĩnh cho biết ông làm xiệc đã gần 10 năm nay và hằng tháng có thu nhập cũng khá nên nghề này sống tốt.

“Tôi có học qua điện tử, cộng với thâm niên đi xiệc cá nên hàng của tui đảm bảo chất lượng. Coi cục xiệc nhỏ vậy chứ phải gắn bo mạch, quấn tăng phô, gắn quạt. Loại xiệc này có tới 48 con sò, là loại dân chuyên nghiệp hay xài. Nếu anh muốn chơi ngon thì đặt loại 70 con cũng có, giá 3 triệu đồng” - ông Tĩnh quảng cáo.

Ông Tĩnh còn cam kết sẽ làm sẵn mọi thứ để muốn bắt cá nào cũng có hệ riêng. “Đây nè, anh nghe âm thanh nó kêu không? Cá lóc nó kêu vầy, cá chạch nó kêu khác. Cá lăng, cá trê ở nước sâu, nước cạn gì cũng bắt sạch” - ông Tĩnh vừa lấy ra một xiệc điện vừa găm chuôi hướng dẫn sử dụng.

Theo các “xiệc tặc”, việc tìm kiếm một nơi độ xiệc là không khó, nhiều nơi hoạt động có chút kiêng dè nhưng có nơi hoạt động công khai. Đơn cử, một ngày gần cuối tháng 12, khi PV có mặt tại tiệm điện tử QV (đường Nguyễn Du, thị xã Kiến Tường) thì chứng kiến một người đàn ông độ xiệc công khai ngoài vỉa hè giữa ban ngày.

Khi PV đến, một người đàn ông khác dẫn vào tiệm xem một số loại xiệc. “Xiệc thường giá bèo nhất “7 xị” (700.000 đồng), bảo hành ba tháng nhưng nó bắt ngon lắm. Ở tiệm tôi loại nào cũng có, từ xiệc chuột tới xiệc cá, muốn mua loại lớn hơn phải đặt trước chứ tiệm bán đắt lắm, ai tới trước hỏi là bán ngay”.

Chúng tôi chê đắt thì chủ tiệm nói giá vậy là giá mềm rồi, chỗ khác “chém” cho 3-3,5 triệu đồng/cái.

Tại chợ trung tâm thị trấn Tân Hưng, chúng tôi tiếp tục tiếp cận tiệm điện tử MT ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Tiếp chúng tôi, chủ tiệm là một người đàn ông trung niên đang bận độ xiệc, trên nền gạch lúc này đã có ba, bốn xiệc đã thành phẩm. “Ở huyện Tân Hưng này, tôi là đại ca của việc độ xiệc. Tôi làm ở đây hơn 25 năm nay rồi. Ông khỏi cần đi dò giá chỗ nào nữa mất công. Ngoài ra, ông yên tâm đi, loại xiệc nóng này không ai bắt bớ gì đâu” - người chủ tiệm liến thoắng nói.

Lúng túng xử lý

Qua nhiều ngày ghi nhận của PV, tại thị trấn Tân Hưng còn có nhiều cơ sở chuyên độ xiệc tốc hành, chỉ cần đặt cọc là vài tiếng đồng hồ có ngay. Đó là tiệm quạt SK (ở đường Hoàng Hoa Thám), tiệm điện tử K. (ở đường Ba Tháng Hai)… Tại chợ trung tâm thị trấn Vĩnh Hưng thì cơ sở ML (ở đường 831) cũng là một lò độ “cha truyền con nối”, chủ lò còn bảo đảm “bao xài, không ai bắt bớ”. Tương tự, ở huyện Thủ Thừa còn nhiều lò công khai độ xiệc là các tiệm điện cơ P., điện tử U. ở quốc lộ 62...

Ông Tạ Văn Nguyễn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, công an tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản liên tục trong 39 ngày tại các huyện Đức Huệ, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Cần Giuộc, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 83 trường hợp vi phạm và tạm giữ khoảng 80 xiệc điện cùng hàng chục bình ắcquy. Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn “giải phóng” cho hàng chục ký cá rô non, cá ròng ròng về môi trường tự nhiên.

“Từ trước đến nay chúng tôi chỉ phối hợp kiểm tra việc sử dụng xiệc điện, còn việc kiểm tra xử lý các đối tượng chuyên độ xiệc, trong đó có việc mua bán, sử dụng thì thuộc trách nhiệm của ngành công an” - ông Hoàng nói.

Tuy vậy, Đại tá Phạm Hữu Châu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, khẳng định theo quy định (Nghị định 103/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản - NV), khi nào phát hiện người dân sử dụng xiệc điện để bắt cá ngoài kênh, rạch thì mới xử lý. Quy định hiện hành không cấm việc sản xuất, mua bán xiệc điện. “Có thể người ta mua sử dụng xiệc cho nhiều mục đích khác. Họ không dùng nó đi xiệc điện thì không xử lý được” - Đại tá Châu nói.

Nghị định 103/2013 cho phép được sử dụng kích điện để thu hoạch thủy sản tại ao nuôi. Theo tôi, quy định này là kẽ hở gây khó khăn cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy nên cần được xem lại.

Việc không cấm dùng kích điện tại ao nuôi là đồng nghĩa với việc cho phép sản xuất kích điện. Tuy nhiên, vấn đề là không có cơ quan nào kiểm tra việc mua kích điện để bắt cá tại ao nuôi hay bắt cá sông.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện gần như người dân vùng Đồng Tháp Mười nào cũng đều dùng xiệc điện để khai thác. Việc này là tận diệt ngoài tự nhiên, góp phần hủy diệt hệ sinh thái. Do vậy theo tôi, nên sửa quy định hiện hành và nghiêm cấm hẳn việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản dưới mọi hình thức.

Về việc thu hoạch tại ao nuôi thì có nhiều cách như dùng lưới. Nếu muốn diệt cá tạp để thả giống mới thì có thể dùng các loại thuốc cá tự nhiên không gây hại cho môi trường chứ không nhất thiết phải dùng xiệc.

TS LÊ PHÁT QUỚI, Viện TN&MT, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm