Sáng nay (30-11), TAND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Nguyễn Văn Bổng - nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, bị cáo Phạm Huy Tường - nguyên trưởng Phòng TN&MT huyện Kỳ Anh và năm bị cáo khác.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Tường khai nhận sai phạm do ông Bổng lúc đó là cấp trên bảo "cứ ký đi".
Bị cáo Nguyễn Văn Bổng tại phiên tòa sáng nay 30-11.
"Do áp lực, do tiến độ giải phóng mặt bằng, trong bốn ngày tôi phải ký một chồng hồ sơ. Tôi không có thời gian để xem lại hồ sơ. Tôi nói thật là tôi nhắm mắt ký. Tôi nói lại một lần nữa tôi là nạn nhân của việc điều hành chỉ chấp hành mệnh lệnh của cấp trên" - bị cáo Tường nói.
Bị cáo Tường cũng cho rằng số tiền thất thoát không lớn như thế (hơn 10,4 tỉ đồng). Các bị cáo khác cho rằng trước khi hợp thức 72,78 ha đất công (do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý) không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của Nhà nước thì có xin ý kiến ông Bổng và được đồng ý.
Bị cáo Bổng kêu oan và cho rằng: "Khi các xã xin ý kiến là ý kiến chỉ đạo xử lý hồ sơ đất thì tôi đã giao cho các xã tự giải quyết. Chứ bản thân tôi không giao làm trái. Mức thiệt hại (hơn 10,4 tỉ đồng) không phải như thế".
Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh đáp lại: "Bản khai của bị cáo là phù hợp với lời khai của các bị cáo khác".
Bị cáo Bổng nói: "Dạ. Tôi không phản đối gì bản khai đó, nhưng mà...". Vị công tố nói: "Còn số tiền thiệt hại căn cứ vào báo cáo của UBND thị xã Kỳ Anh, xã Kỳ Phương, Kỳ Long, chúng tôi có căn cứ xác định rằng số tiền thiệt hại như bản cáo trạng đã nêu là đúng".
Rất đông người dân đến tham dự phiên tòa.
Đại diện VKS cho rằng bị cáo Cường và Hà thành khẩn khai báo, còn lại bị cáo Bổng và các bị cáo còn lại là khai nhận chưa đúng bản chất của vụ án, đề nghị HĐXX xem xét.
Bị cáo Bổng đứng trước vành móng ngựa trả lời về số tiền thất thoát hơn 10 tỉ đồng": "Khi có quyết định phê duyệt của tỉnh và Kho bạc Nhà nước tỉnh chuyển tiền về Kho bạc Nhà nước huyện thì ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thành lập một ban chỉ đạo chi trả. Thực hiện chi trả là có thành viên Hội đồng Giải phóng mặt bằng, UBND xã, ban quản lý khu kinh tế tỉnh, kho bạc thực hiện trực tiếp chi trả thông qua cán bộ ngân hàng hợp đồng chi trả trực tiếp. Cán bộ hội đồng không tham gia trả tiền mặt.
Số tiền hơn 10 tỉ đồng, đã chi trả 100% cho các hộ dân và ngân sách xã, nghĩa là tiền đang nằm ở dân. Bản thân tôi không gặp các hộ dân vận động trả lại mà tôi nói rằng bây giờ đã chi trả cho các hộ dân thì khả năng thu hồi không được. Vì họ đã mất hết tư liệu sản xuất, nhà cửa đã di dời lên khu tái định cư, mồ mả ông bà, cha mẹ đã di chuyển. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Hiện nay mà thu hồi chắc chắn không thu hồi được".
Chiều nay phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.
PLO sẽ tiếp tục cập nhật.