Một nghiên cứu mới đây cho thấy thời gian ủ bệnh của chủng virus Corona mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (virus nCoV) có thể kéo dài đến 24 ngày, báo The Straits Times ngày 11-2 đưa tin.
Kết quả được đưa ra sau khi nhóm bác sĩ Trung Quốc, dẫn đầu là chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn - người phát hiện ra virus SARS năm 2003, theo dõi hơn 1.000 bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các phương pháp xác định sớm virus Corona hiện đang áp dụng có một số khiếm khuyết, dẫn đến tình trạng bỏ qua một số lượng lớn những người nhiễm bệnh.
Chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn, người dẫn đầu nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu mới về virus Corona. Ảnh: SCMP
Các bác sĩ cho biết chỉ 43,8% số bệnh nhân được theo dõi có triệu chứng sốt cao khi đến thăm khám bệnh lần đầu. Khi những người này nhập viện, tỉ lệ xuất hiện của triệu chứng này chỉ là 87,9%.
Đáng chú ý, tỉ lệ không xuất hiện triệu chứng sốt cao ở các bệnh nhân nhiễm virus Corona là cao hơn so với tỉ lệ tương tự của virus SARS hay MERS.
Từ ngày 27-1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã sửa đổi các tiêu chí chẩn đoán, không yêu cầu người nghi nhiễm virus Corona thực hiện chẩn đoán hình ảnh qua chụp CT lồng ngực và tập trung vào việc kiểm tra acid nucleic.
Các chuyên gia này nghi ngờ việc kiểm tra acid nucleic có thể tạo ra hàng loạt các kết quả âm tính giả. Họ kêu gọi cơ quan chức năng cần kết hợp việc chụp CT để rà soát và tăng khả năng phát hiện chính xác các ca nhiễm.
Dù vậy, họ cũng công nhận khiếm khuyết của việc chụp CT phổi và lồng ngực để xác định chất lỏng tích tụ trong không gian phổi. Nghiên cứu mới cho thấy chỉ khoảng một nửa số ca bệnh xuất hiện dấu hiệu này.
Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 9-2 trên kho lưu trữ dữ liệu trực tuyến medRxiv chuyên tổng hợp các kết quả nghiên cứu y khoa chưa được xuất bản và cũng chưa được thẩm định, do đó medRxiv không khuyến cáo ngay lập tức áp dụng các kết quả này vào thực tiễn.
Báo cáo nêu rõ, các bác sĩ đã tiến hành nghiên cứu tại 552 bệnh viện ở 31 tỉnh, thành khác nhau của Trung Quốc từ ngày 1-1 đến 29-1. Chỉ 1,18% các bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã.
Đồng thời, chỉ 1/3 số ca nhiễm đã đến Vũ Hán và 71,8% có tiếp xúc với người đến từ Vũ Hán - trung tâm vùng dịch - cho thấy có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Do đó, các nhà khoa học tin rằng việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra dù xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Tính đến 11 giờ ngày 11-2, toàn thế giới đã phát hiện 43.100 người nhiễm virus Corona. Trong đó có 1.018 người tử vong và 4.026 người đã được điều trị thành công sau khi nhiễm bệnh.