Tối ngày 6-4, mạng xã hội lan truyền một thư ngỏ từ trang Facebook Dạ Thảo Phương (tên thật là Thanh Thúy) tố cáo một phó tổng biên tập của một tờ báo ở phía Bắc đã cưỡng dâm và vu khống chị này từ 22 năm trước.
Theo đó, chị này cho rằng chị đã bị cưỡng hiếp nhiều lần, thậm chí dẫn đến chị mang thai. Lúc ấy, chị đã tố sự việc đến lãnh đạo tờ báo nhưng mọi chuyện được kết luận chỉ là sự xô xát...
Nội dung tố cáo hiện chưa có cơ quan chức năng nào kết luận. Song, ở góc độ pháp luật, giả dụ nội dung tố cáo ấy là có thật thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) có còn hay không khi sự việc đã xảy ra cách đây 22 năm?
Một bản tường trình được cho là liên quan đến thư ngỏ có nội dung tố cáo bị cưỡng bức tình dục được đăng tải trên mạng xã hội .
Trao đổi vớiPLO, Luật sư (LS) Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Nếu các nội dung trong bản tường trình là đúng sự thật, việc nạn nhân dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi trái pháp luật cần được khích lệ.
LS Đức cho rằng đây là một sự việc đáng tiếc vì theo Điều 27 BLHS 2015, thời hiệu truy cứu TNHS tối đa là 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiệm trọng.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, vụ việc đã xảy ra từ 22 năm trước nên không còn thời hiệu truy cứu TNHS, cũng như đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường các thiệt hại về tinh thần cho nạn nhân theo quy định của BLDS.
Bên cạnh đó, LS Đức cũng nhận định vụ việc cần phải được xác minh rõ ràng từ những người được nhắc tên trong bản tường. Với các tình tiết trong bản tường trình thì chưa thể kết luận về hành vi phạm tội (nếu có) của bất cứ ai.
“Những nạn nhân không may rơi vào trường hợp bị tấn công tình dục nên mạnh dạn, nhanh chóng trình báo sự việc đến cơ quan chức năng để pháp luật có thể bảo vệ tốt nhất các quyền lợi của họ, đồng thời xử ký kịp thời kẻ vi phạm và tạo cảnh giác cho cộng đồng” - LS Đức nói.