Ngày 27-8, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Hai thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hợp tác pháp luật; nhất trí sớm thiết lập và triển khai các cơ chế quốc phòng song phương, trong đó có Ủy ban Cấp cao về hợp tác quốc phòng, tham vấn hải quân; thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác như Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng mới…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: TG&VN
Về hợp tác trên biển, hai thủ tướng cho rằng đây là lĩnh vực có liên quan đến an ninh, chủ quyền và phát triển của cả hai nước; cần tiếp tục mở rộng, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược kinh tế, khoa học, năng lượng biển.
Hai thủ tướng hoan nghênh hai bên đã thống nhất nội dung, tiến tới sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đồng thời tăng cường phối hợp giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá bị bắt trên tinh thần nhân đạo và quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước cũng như luật pháp quốc tế.
Hai thủ tướng cũng đã trao đổi tin cậy về các vấn đề chiến lược, an ninh khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Mahathir khẳng định Malaysia ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 2020-202, sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thúc đẩy phát triển Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực; cùng phấn đấu vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và dựa trên luật lệ.
Hai thủ tướng nhất trí với tư cách hai nước láng giềng thân thiết ven biển Đông, có an ninh và lợi ích gắn kết, Việt Nam và Malaysia sẽ hợp tác chặt chẽ cùng ASEAN bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Hai thủ tướng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố DOC và phấn đấu sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và ràng buộc pháp lý.