Tại hội thảo “Những quy chuẩn cần thiết để được chứng nhận tiêu chuẩn Halall giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức chiều 16-9, ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Việt Nam Halal Center, cho biết: Để xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo thì doanh nghiệp Việt Nam cần chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế Halal đối với sản phẩm, đồng thời phải có 2 nhân sự là người Hồi giáo làm việc toàn thời gian tại đây.
"Khái niệm Hala chống lại các điều kiện ô nhiễm, xử lý chất thải không đúng phương pháp, tàn nhẫn với động vật; thương mại không chân chính… những điều gây hại đến con người và môi trường. Halal nghĩa là “được cho phép”, "Thoyyib" nghĩa là “tốt để tiêu thụ”. Do đó, “Halal-Thoyyib” không chỉ vì người Hồi giáo mà vì tất cả mọi người”, ông Ramlan Osman nói.
Đối với thực phẩm và đồ uống để đạt chứng nhận Halal thì các thành phần trong sản phẩm phải đáp ứng theo sự cho phép theo luật Hồi giáo. Ví dụ: sản phẩm của động vật phải không có bất cứ nguồn gốc nào liên quan đến động vật không được giết mổ theo luật Hồi giáo. Mặt khác, nó cũng phải đáp ứng việc an toàn cho tiêu thụ, không độc, không gây say, không nguy hiểm cho sức khỏe; không chế biến, sản xuất bằng thiết bị bị nhiễm bẩn…
Ông Ramlan Osman cho biết khó khăn lớn nhất đối với DN muốn xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo là phải có nhân sự hồi giáo. Nhưng rào cản này có thể được tháo gỡ khi liên hệ với Halal Center, trung tâm sẽ thu xếp để DN có đủ điều kiện về nhân sự Hồi giáo cần thiết theo tiêu chuẩn.
Ông Ramlan Osman cũng cho biết ngành công nghiệp có thể xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo không chỉ có thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn, mà còn có các nguyên vật liệu để chế biến, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, sức khỏe, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…
Việt Nam là một trong 10 nước châu Á có tiềm năng xuất khẩu cao với các sản phẩm: cà phê xanh, gạo, hạt điều, tiêu, trái cây tươi, sản phẩm từ cà phê; trà, các loại bánh kẹo, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước trái cây… Nhưng DN Việt vẫn chưa xuất khẩu được nhiều vì sản phẩm chưa có chứng nhận Halal, DN chưa có đủ kiến thức để đưa hàng hóa, sản phẩm xâm nhập thị trường rộng lớn này.
Doanh nghiệp đang tìm hiểu thông tin làm sao sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Ảnh: Tú Uyên
Năm 2016, Việt Nam cung ứng các sản phẩm tiềm năng cho thị trường các nước Hồi giáo ước khoảng 10,5 tỉ USD, trong khi nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cần đến 34,1 tỉ USD. Qua đó, cho thấy Việt Nam đã bỏ lỡ 23,6 tỉ USD xuất khẩu cho thị trường màu mỡ này.
“Năm 2018, chúng tôi chưa thống kế được giá trị sản phẩm Việt Nam có chứng nhận Halal xuất khẩu sang thị trường OIC vì con số này rất nhỏ. Theo tôi biết hiện có 500 DN vừa và nhỏ của Việt Nam trên tổng số 10.000 DN Việt được cấp chứng nhận Halal. Qua đó cho thấy tiềm năng xuất khẩu sản phẩm vào OIC còn rất cao”, ông Ramlan Osman nói.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, nhìn nhận hiện chỉ có một số ít quốc gia có sản xuất các sản phẩm Halal, có thể thấy dư địa của ngành công nghiệp Halal còn rất lớn. DN Việt Nam cần chú trọng khai thác khoảng trống thị trường này. Vì đây là chìa khoá để mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn cho các DN Việt Nam.
“Khi các DN đạt tiêu chuẩn về ATTP chỉ cần phấn đấu thêm 10% nữa là DN sẽ đạt chứng nhận Halal. Tôi cho rằng để đạt chuẩn Halal không khó nếu DN quyết tâm làm”, ông Hòa nói.